Sức mua yếu, giá lợn hơi chưa thoát được mốc 60.000 đồng/kg

01/07/2022 16:14 GMT+7
Thời gian tới, giá lợn hơi dự báo sẽ chưa thoát được mốc 60.000 đồng/kg, do bất lợi của thời tiết, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn giảm do nắng nóng. Ngoài ra, dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, họ vẫn hạn chế với các hoạt động ăn uống ngoài gia đình nên lượng tiêu thụ thịt khó tăng nhanh...

Thị trường lợn hơi đồng loạt lặng sóng, giá đi ngang

Giá lợn hơi hôm nay (1/7) đồng loạt đi ngang trên cả nước trước thông tin dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra ở nhiều nơi, sức mua không mạnh.

Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi đồng loạt lặng sóng hôm nay. Trong đó, các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Ninh Bình đang giao dịch chung mức 58.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.

Các tỉnh thành gồm Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội và Tuyên Quang tiếp tục neo tại mức 59.000 đồng/kg. Thương lái tại Phú Thọ và Hưng Yên lần lượt thu mua lợn hơi tương ứng là 60.00 và 61.000 đồng/kg.

Sức mua yếu, giá lợn hơi chưa thoát được mốc 60.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Giá lợn hơi hôm nay (1/7) đồng loạt đi ngang trên cả nước trước thông tin dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra ở nhiều nơi, sức mua không mạnh.

Thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên không ghi nhận nhiều thay đổi về giá so với ngày hôm qua. Hiện tại, đa số các tỉnh thành đều giao dịch ổn định quanh mốc trung bình là 55.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Quảng Bình điều chỉnh giá thu mua xuống còn 53.000 đồng/kg sau khi hạ nhẹ 1.000 đồng/kg. Hiện tại, giá thu mua lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây nguyên dao động trong khoảng 52.000 - 58.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng đứng yên. Cụ thể, mức giá cao nhất trong khu vực là 59.000 đồng/kg, được ghi nhận tại tỉnh An Giang. Thấp hơn một giá ở mức 58.000 đồng/kg gồm có các tỉnh thành như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau và Bạc Liêu. Ngoại trừ tỉnh Kiên Giang đang giao dịch với giá thấp nhất là 54.000 đồng/kg, các tỉnh thành còn lại đang thu mua ổn định trong khoảng 55.000 - 57.000 đồng/kg.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thuộc Bộ Công Thương, thời gian tới, giá lợn hơi chưa thể thoát được mốc 60.000 đồng/kg, do tình hình bất lợi của thời tiết, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt heo giảm do nắng nóng. Ngoài ra, dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, họ vẫn hạn chế với các hoạt động ăn uống ngoài gia đình nên lượng tiêu thụ thịt vẫn khó tăng nhanh.

Sức mua yếu, giá lợn hơi chưa thoát được mốc 60.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Sức mua yếu, giá lợn hơi chưa thoát được mốc 60.000 đồng/kg - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2022 tăng 3,8%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 2.116.300 tấn, tăng 5,7%; so với cùng thời điểm năm 2021. Tổng số lợn tăng là nhờ dịch bệnh được kiểm soát. Để chủ động ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi-ASF một cách hiệu quả, bên cạnh các cơ quan chức năng, người chăn nuôi cũng cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, qua đó bảo đảm an toàn cho đàn lợn. 

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam đã chính thức sản xuất được vaccine thương mại phòng bệnh dịch ASF, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực, độ dài miễn dịch kéo dài 6 tháng. Trước đó, kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco sau khi được các nhà khoa học độc lập đánh giá rất kỹ lưỡng đã được chấp nhận công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới và tạp chí khoa học thú y của Việt Nam. Viện nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vắc xin NAVET-ASFVAC đảm bảo an toàn, hiệu lực.

Cách nào kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi? 

Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 5/2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 605,1 triệu USD giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm hơn 11,5% so với cùng kì năm 2021. Về các nguyên liệu sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, khối lượng nhập khẩu lúa mì tăng 37,6% so với năm ngoái lên 389.625 tấn, với giá trị nhập khẩu tăng gần 80% lên hơn 147,5 triệu USD. Khối lượng nhập khẩu ngô, ngược lại, giảm nhẹ 0,9% xuống 1.025.127 tấn, nhưng giá trị nhập khẩu tăng 29,3% lên gần 385,5 triệu USD. Khối lượng nhập khẩu đậu nành cũng giảm 9,7% xuống 190.103 tấn, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 16,1% lên hơn 139 triệu USD. Nhập khẩu dầu mỡ động thực vật giảm 7,7% xuống gần 88,5 triệu USD.

Bất ổn giữa Nga – Ukraine dẫn tới gián đoạn về nguồn cung là nguyên chính dẫn tới sự leo thang về giá thức ăn chăn nuôi. Tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 7, doanh nghiệp lại tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho heo con và thức ăn đậm đặc với mức tăng 400 đồng/kg, tương đương tăng 10.000 đồng/bao 25 kg. Đối với các loại thức ăn còn lại cho heo, bò, gà thịt, vịt thịt và gà, vịt đẻ tăng 300 đồng/kg, tương đương tăng 7.500 đồng/bao 25kg.

Giá thức ăn chăn nuôi áp dụng sau ngày 1/7 đối với loại cho lợn con là 510.000 - 530.000 đồng/bao 25kg, loại dành cho lợn thịt là 375.000 - 415.000 đồng/bao 25kg và thức ăn dành cho lợn nái là khoảng 315.000 đồng/bao 25kg.

Việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã đẩy người nông dân vốn ở trong tình thế khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. Nguyên nhân tăng giá thức ăn chăn nuôi được các đơn vị đưa ra là do nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng giá quá mạnh, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã hết sức cố gắng để ghìm giá cám nhưng không thể kéo dài hơn nữa. Chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm, điều này đã gây áp lực lớn cho người chăn nuôi.

Trước đó, từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi như Japfa Comfeed, De Heus, MNS Feed và Sunjin Vina chi nhánh Tiền Giang cũng đã đồng loạt thông báo tăng giá bán thức ăn chăn nuôi cho lợn 300 – 400 đồng/kg. Đây cũng là đợt tăng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm 2022. 

Việc giá bán bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất không chỉ khiến nông dân chịu thiệt hại nặng nề, mà ngay cả những "ông lớn" trong ngành chăn nuôi như Dabaco, Vissan, Masan MEATLife, Hoàng Anh Gia Lai cũng phải gồng mình gánh giá thức ăn. Việc phụ thuộc 90% vào nguyên liệu của thế giới khiến ngành chăn nuôi luôn ở thế bấp bênh. Dù Chính phủ đã điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (MFN) của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine khiến thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi càng thêm căng thẳng, mức giảm thuế này không thấm vào đâu trong cơn bão giá. Các doanh nghiệp cho rằng, việc giảm thuế này chỉ giúp chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm 0,5 - 1% và kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu ở mức tốt hơn.

Được biết, 6 tháng cuối năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt trên 4,2 triệu tấn. 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thịt các loại đã đạt 3,4 triệu tấn, trong đó, đàn lợn tăng 3,8% và sản lượng thịt hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%.

Trong báo cáo mới đây, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo CPI trong tháng 7 tăng khoảng 0,6-0,7% so với tháng trước, và giữ nguyên dự báo CPI bình quân cả năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 3,8-4%.

Nói thêm về giá thịt lợn trong năm 2022, KBSV dự báo giá chỉ có thể quanh mức 60.000 đồng/kg với nhu cầu ăn uống ổn định, trong khi nguồn cung thịt lợn giảm do tỷ lệ tái đàn đầu năm 2022 ở mức thấp khi các yếu tố liên quan tới dịch tả lợn, giá cám cao, giá vận chuyển tăng và giá lợn thấp đã tác động tiêu cực tới tâm lý của các hộ chăn nuôi.

Theo KBSV, giá thịt lợn khó có thể về mốc đỉnh năm 2020 nhờ việc Chính phủ luôn ưu tiên tăng cường nguồn cung trong nước. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 4,45 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 18,18 triệu USD, giảm 33,1% về lượng và giảm 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 20 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 53,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước.

Về nhập khẩu: Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 182,7 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 407,47 triệu USD, giảm 22,6% về lượng và giảm 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 44 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 28,5% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của cả nước.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục