Tạm dừng xuất khẩu gạo
Phó tổng cục trưởng Hải quan Mai Xuân Thành vừa công điện hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu các loại.
Chỉ đạo này nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh Covid-19 diễn biến diễn biến phức tạp.
Với các lô hàng gạo đã đăng ký tờ khai trước ngày 24/3 vẫn được giải quyết thủ tục thông quan theo quy định.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đấu tranh, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gạo các loại qua biên giới và xử lý vi phạm theo quy định.
Hiện nay, quan điểm của Bộ NNPTNT vẫn là sản xuất tối đa, đảm bảo cho an ninh lương thực quốc gia.
Việt Nam hiện xuất khẩu gạo nhiều thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 6,37 triệu tấn gạo, tương đương 2,81 tỷ USD. Trong đó, Philippines là thị trường lớn nhất với hơn 2,1 triệu tấn, tiếp sau lần lượt là Bờ Biển Ngà với hơn 580.000 tấn, Malaysia với hơn 550.000 tấn, Trung Quốc với 477.000 tấn.
Hai tháng qua, gạo Việt Nam xuất khẩu sang một số nước tăng mạnh trong bối cảnh nhiều mặt hàng ảnh hưởng vì Covid-19.
Cụ thể số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 2/2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 372 triệu USD, tăng 20,5% về giá trị và lượng tăng 15% so với cùng kì năm ngoái.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 900.000 tấn, giá trị kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị. Điều này được xem có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh nhiều loại nông sản xuất khẩu bị sụt giảm do hạn chế giao thương với thị trường Trung Quốc do dịch COVID-19.
Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 31% thị phần. Nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Mozambique, Angola…
Đáng chú ý giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường đang có xu hướng liên tục tăng cao, gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2018 đến nay. Giá gạo xuất khẩu tăng kéo giá lúa trong nước cũng tăng theo, hỗ trợ tốt cho người nông dân.
Hiện các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL mua lúa ướt tại ruộng với giá dao động 4.400-5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300-500 đồng/kg; chỉ có giống lúa IR50404 tiêu thụ thị trường nội địa là giá thấp, khoảng 4.400 đồng/kg. Trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300 - 800 đồng/kg.
Giá lúa thu mua tại kho của doanh nghiệp là 5.400 - 6.400 đồng/kg, cao hơn mức bán lúa tươi tại ruộng của nông dân bình quân 1.000 đồng/kg. Nhiều thương lái, doanh nghiệp đã đến tận ruộng của nông dân đặt cọc và kí hợp đồng bao tiêu lúa dài với giá 5.000 - 5.200 đồng/kg.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam cho hay dịch bệnh do virus corona bùng phát tại Trung Quốc không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường lớn nhất thế giới này.