Tăng cường sàng lọc doanh nghiệp bán hàng đa cấp
Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, trong những năm qua, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được tăng cường mạnh mẽ với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan từ trung ương đến địa phương.
Từ năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp giảm đến 2/3. Trong đó, 1/3 bị thu hồi giấy chứng nhận, 1/3 chấm dứt hoạt động do không hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký hoạt động mới.
Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, có gần 20 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó, hơn 2/3 có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là tín hiệu tốt về mặt thu hút đầu tư, tạo nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế nhưng cần có những đánh giá cẩn trọng.
Kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh được thừa nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng cũng gây nhiều tranh cãi do nhiều vụ việc lừa đảo liên quan mô hình kinh doanh này đã xảy ra. Do đó, cơ chế sàng lọc doanh nghiệp được chú trọng ở nhiều quốc gia nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân.
Từ đó, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung điều kiện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước khi tham gia thị trường Việt Nam phải hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu 3 năm ở một quốc gia khác.
Việc này vừa giúp cơ quan cấp giấy chứng nhận có cơ sở đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp, vừa chọn lọc được các doanh nghiệp có kinh nghiệm quản lý nội bộ vì hoạt động này thực hiện thông qua mạng lưới hàng chục, hành trăm nghìn người tham gia.
Đây là biện pháp hữu hiệu giúp sàng lọc doanh nghiệp tham gia thị trường bán hàng đa cấp, một trong những ngành nghề dễ bị lợi dụng lừa đảo ở Việt Nam.