Tập đoàn Sao Mai (ASM) báo lãi đi lùi trong quý III/2022, 9 tháng mới thực hiện được 55% mục tiêu

30/10/2022 20:30 GMT+7
Do mất khoản thu khi không còn được nhận gói hỗ trợ tài chính từ Nhật Bản khiến lợi nhuận của Tập đoàn Sao Mai (ASM) giảm 16% xuống 224,8 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) đã công bố BCTC hợp nhất quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 3.344 tỷ đông, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước; giá vốn bán hàng tăng 36% nên lợi nhuận gộp kỳ này tăng 54,5% lên 443,3 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng 70% lên 56,2 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính khá cao với 122 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là lãi vay.

Chi phí bán hàng tăng 21,5% lên 76,8 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 27% lên 51,2 tỷ đồng.

Các khoản thu nhập khác trong kỳ giảm mạnh hơn 30 lần, xuống chỉ còn 6,2 tỷ đồng do năm 2021 công ty nhận được gói hỗ trợ tài chính theo cơ chế tín chỉ chung do Bộ Môi trường Nhật Bản quản lý và tổ chức. Các hoạt động được đảm nhận và thực hiện bởi Quỹ Trung tâm Môi trường toàn cầu.

Kết quả, Sao Mai báo lãi quý III/2022 giảm 16% so với cùng kỳ xuống 224,8 tỷ đồng,

Lũy kế 9 tháng năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu 10.565 tỷ đồng, tăng 22%; lãi sau thuế đạt 897,6 tỷ đồng, tăng tới 71% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 68% so với 9 tháng đầu năm ngoái, tăng chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay và khoản chênh lệch tỉ giá. Bên cạnh đó, do chi phí vận chuyển 9 tháng đầu năm 2022 tăng cao, đạt gần 210 tỷ đồng dẫn đến chi phí bán hàng của công ty cũng tăng 74%, tương đương 311 tỷ đồng.

Năm 2022, Sao Mai đặt doanh thu đạt 14.700 tỷ đồng và 1.630 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 9 tháng, ASM đã hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của ASM tăng 5,8% lên 19.225,7 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền tăng 68,6% lên 987,7 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 28% xuống 1.156 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng nhẹ lên 2.958,5 tỷ đồng; tài sản dài hạn tăng 11,4% lên 9.907 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng nhẹ lên 10.946 tỷ đồng; tổng vay nợ tăng 16,2% so với đầu năm lên hơn 9.110 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng 9,2% lên 8.269 tỷ đồng.

Trước đó, ASM bất ngờ thông báo hủy phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết số 0608/2022/NQ-HĐQT-ASM ngày 8/6/2022.

Theo Nghị quyết ngày 8/6, Hội đồng quản trị ASM đã thông qua phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng phương thức thực hiện quyền mua cp cho. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền mua và cứ 2 quyền mua sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu mới).

Mức giá phát hành dự kiến là 12.000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, doanh nghiệp này sẽ thu về hơn 2.019 tỷ đồng; nâng vốn điều lệ từ hơn 3.365 tỷ đồng lên gần 5.048 tỷ đồng.

Về mục đích sử dụng vốn, nguồn tiền thu được từ việc phát hành cổ phiếu trên sẽ được dùng để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp khác và bổ sung cho nguồn vốn lưu động sản xuất kinh doanh.

Được biết, sau đợt tăng nóng cuối năm ngoái, cổ phiếu ASM có dấu hiệu giảm mạnh trong năm 2022 và mới hồi phục trong thời gian gần đây.

Vào đầu tháng 9/2022, công ty đã thông qua nghị quyết về phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Cụ thể, cổ tức năm 2021 sẽ được chia theo tỉ lệ 15% (tức 1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Thời gian dự kiến thực hiện việc chia cổ tức là trong tháng 10/2022.

Như vậy, với hơn 336,5 triệu cổ phiếu ASM đang lưu hành trên thị trường, công ty sẽ phải chi ra gần 505 tỷ đồng cho việc trả cổ tức cho các cổ đông.

Đóng cửa phiên phiên giao dịch ngày 28/10, cổ phiếu ASM có giá 9.200 đồng/cp.


A.Vũ
Cùng chuyên mục