Thắng lợi rực rỡ năm 2022, vì đâu DCM lên kế hoạch lãi giảm sâu tới 67% xuống hơn 1.300 tỷ đồng?
Doanh thu năm 2022 vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2025
Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2022.
Trong năm 2022, Đạm Cà Mau thu về 16.240 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 62% so với năm 2021 và thậm chí vượt mức doanh thu chỉ tiêu đặt ra cho năm 2025 (dự kiến ở mức 15.000 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế của DCM trong năm 2022 đạt 4.321 tỷ đồng, tăng 137%.
Về Công ty mẹ, năm 2022 Đạm Cà Mau hoàn thành các chỉ tiêu được ĐHĐCĐ giao với những con số ấn tượng và đặc biệt doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận/vốn đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, trong đó:
Sản lượng sản xuất Urê đạt 918,08 nghìn tấn, thực hiện bằng 102% kế hoạch, đạt 102% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là năm đầu tiên phân xưởng NPK sản xuất thương mại và sản lượng đạt 115,03 nghìn tấn cao hơn 139% so với cùng kỳ năm 2021. Về sản lượng tiêu thụ Urê đạt 844,08 nghìn tấn, thực hiện bằng 106% so với kế hoạch và đạt 113% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng tiêu thụ NPK đạt 83,67 nghìn tấn, đánh dấu sự xâm nhập thị trường ấn tượng của NPK Cà Mau trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các đơn vị sản xuất kinh doanh NPK uy tín và lâu đời trên thị trường.
Tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.240,7 tỷ đồng, thực hiện 112% so với kế hoạch, tăng 62% so với cùng kỳ. Đây là năm đầu tiên Công ty hoàn thành chỉ tiêu doanh thu trên 16.000 tỷ đồng với những nỗ lực không ngừng trong việc tiêu thụ cũng như hưởng lợi từ việc giá bán tăng cao.
LNTT hợp nhất là 4.596,3 tỷ đồng, thực hiện bằng 118% kế hoạch, tăng 162% so với cùng kỳ. LNST hợp nhất là 3.321,1 tỷ đồng, thực hiện bằng 118% kế hoạch, tăng 137% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của Đạm Cà Mau do doanh thu tăng đồng thời Công ty triển khai các hoạt động tối ưu hóa tiết kiệm tiết giảm, sự linh hoạt trong hoạt động quản trị điều hành. Các khoản nộp NSNN là 679,3 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2021.
Đến năm 2022, sản phẩm xuất khẩu của Đạm Cà Mau đã có mặt tại 14 thị trường với sản lượng xuất khẩu lần đầu đạt 410.000 tấn (chiếm 50% sản lượng tiêu thụ trong năm), đóng góp 260 triệu USD doanh thu (tương đương khoảng 6.200 tỷ đồng).
Nhà máy Đạm Cà Mau cán mốc 9 triệu tấn sản lượng Urê sau hơn 10 năm vận hành thương mại. Nhà máy NPK cán mốc hơn 115 nghìn tấn sản lượng NPK trong năm đầu tiên sản xuất thương mại.
Bước sang năm 2023, lãnh đạo Đạm Cà Mau đặt mục tiêu tài chính hợp nhất với 13.458 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 1.383 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 67% so với thực hiện năm 2022.
Đạm cà Mau phấn đấu sản lượng ure đạt 882.000 tấn, sản lượng NPK đạt 160.000 tấn. Đồng thời, DCM phấn đấu tiêu thụ 760.000 tấn ure, 100.000 tấn sản phẩm từ gốc ure, 160.000 tấn NPK và 211.000 phân bón tự doanh.
Trong năm 2023, Đạm Cà Mau có 2 dự án chuyển tiếp là “Dự án Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Thạnh Hóa - PVCFC” và “Dự án Mở rộng mái che mưa cho hệ thống xuất sản phẩm (02 line xuất hàng A/D)” cùng 2 dự án mới, 8 dự án chuẩn bị đầu tư, 1 dự án M&A.
Công ty mẹ của DCM dự định chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 16%.
Duy trì thị phần phân bón trong nước tối thiểu 10%/năm trên quy mô toàn quốc
Lãnh đạo Đạm Cà Mau đặt mục tiêu trung và dài hạn từ 5 – 10 năm tới, tăng trưởng kinh doanh các dòng sản phẩm phân bón từ 6- 10%/năm, tùy theo cơ cấu sản phẩm cụ thể và tỷ trọng từng sản phẩm.
Đạm Cà Mau đặt mục tiêu duy trì thị phần phân bón trong nước tối thiểu 10%/năm trên quy mô toàn quốc. Trong đó, ure duy trì tỷ lệ thị phần nội địa từ 30% - 35%/năm.
Về NPK, phấn đấu đáp ứng từ 5% - 10% thị phần trong nước và tập trung chiếm lĩnh thị trường mục tiêu trong nước ít nhất 20%/thị trường. Về các dòng sản phẩm phân bón khác, doanh nghiệp đặt mục tiêu đáp ứng từ 5% - 15% tùy theo phân khúc sản phẩm cụ thể.
Ngoài ra, Đạm Cà Mau cũng sẽ chủ động khai thác, xâm nhập các thị trường trong nước ở miền Trung và miền Bắc, đồng thời tại thị trường quốc tế là Đông Nam Á, Nam Á và Mỹ Latin.
Về doanh thu, doanh nghiệp đặt mục tiêu cải thiện tốc độ tăng trưởng từ 5-10% năm. Đồng thời, DCM phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong 5 doanh nghiệp có quy mô kinh doanh hàng đầu Đông Nam Á về doanh thu.
Về cơ cấu sản phẩm, Đạm Cà Mau tiếp tục tập trung sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm cốt lõi ure tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, DCM cũng chủ động triển khai kênh xuất khẩu, giúp duy trì sản xuất liên tục và giảm tồn kho, dư thừa nguồn cung nội địa.
Về NPK, doanh nghiệp phấn đấu gia tăng sản lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước, nhất là các thị trường mục tiêu vùng ĐBSCL, khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và thị trường chiến lược ở Campuchia.
Bên cạnh dòng sản phẩm vô cơ, DCM từng bước mở rộng danh mục và khai thác phân khúc phân bón hữu cơ với sản phẩm OM CAMAU nhằm thích nghi với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trong tình hình mới.
Ngoài ra, để chủ động trong việc kinh doanh các sản phẩm phân bón khác, PVCFC nghiên cứu, khai thác thêm mảng xuất nhập khẩu để tổ chức nhập khẩu các nguồn hàng phân bón DAP, Kali, NPK, SA phục vụ nhu cầu về nguyên liệu của nhà máy NPK và các nhà phân phối khác trong nước.