Tháo dỡ đập tạm gây ngập úng vườn cây
Hàng chục công nhân khẩn trương xúc cát vào bao, đắp đoạn đê ngăn mặn xã Phú Đức (Châu Thành. Bến Tre) dài khoảng 70 m, nằm ở thượng nguồn sông Ba Lai, trưa 24/8. Trên thân đê, mặt đường bêtông rộng 3 m bị đứt gãy, sụp sâu gần 2 m. Dù hơn 10 lớp bao cát đã được gia cố sâu 3-5 m, do đang vào mùa thủy triều dâng cao, nên thân đê mỏng dính và có nguy cơ bị nước cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Cách một con sông rộng khoảng 30 m (nhánh nhỏ của sông Ba Lai), phía bờ đối diện, đoạn đê có chiều dài tương tự tại xã Tân Phú (Châu Thành) cũng đang bị sạt lở phần chân, được gia cố bằng bao cát và bạt nhựa. Cạnh đoạn đê, hai ghe chở cát vẫn đang neo đậu để tập kết vật liệu.
Nhà sát chân đê xã Tân Phú đang bị thủy triều đe dọa, bà Lý Thị Tuyết Nhung (52 tuổi) cho biết, khoảng 6 tháng trước, khu vực này là đoạn đê tự nhiên nền đất, nhiều năm bảo vệ vườn bưởi, sầu riêng 2.500 m2 của gia đình khỏi nước mặn lẫn thủy triều. Mùa hạn mặn năm nay, tỉnh đã đầu tư, gia cố đoạn đập tạm khoảng 100 m trên thân đê này bằng các thanh dầm thép để ngăn mặn xâm nhập.
Ba tháng trước, khi mặn trên sông giảm, đơn vị thi công tháo dỡ đập tạm, chân đê bị sạt lở, nước tràn vào các vườn cây. Đoạn đê này sau đó đã được đơn vị thi công khắc phục bằng những bao cát, thân cây dừa. Bốn hôm trước, triều cường tiếp tục cuốn các bao cát trôi mất, làm nước tràn vào bên trong. Bà Nhung cho hay, sau đợt hạn mặn vừa qua, phân nửa diện tích vườn trồng sầu riêng bốn năm tuổi chưa kịp cho trái cây đã chết hết, chỉ còn lại cây bưởi.
"Giờ chỉ mong nhà nước sớm gia cố lại đê chắc chắn như đê cũ để người dân yên tâm, vì ngoài vườn cây, nhà cửa bà con đều ở gần chân đê", bà Nhung nói.
Ông Nguyễn Hữu Thành (50 tuổi), ở gần nhà bà Nhung trồng 2.000 m2 sầu riêng xen bưởi cũng cho hay, mỗi lần vỡ đập tạm, vườn nhà ông bị ngập sâu khoảng nửa mét, trong thời gian từ một đến hai ngày.
"Sau hạn mặn cây cối rất yếu, cần thời gian phục hồi, nên việc ngập úng thường xuyên sẽ khiến cây chết, một số cây bưởi đang cho trái trong vườn đã bắt đầu bị rụng quả", ông Thành nói.
Ông Phạm Hoàng Khôi, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn khoảng 1.600 ha, đợt hạn mặn vừa qua đã chết khoảng 70%, tương đương 1.120 ha, trong đó có 200 ha sầu riêng.
Theo ông Khôi, hiện đơn vị thi công chỉ khắc phục bằng cách chắn các bao cát trên phần đê bị vỡ, chân đê yếu, nên khi gặp thủy triều dâng cao khả năng đê sẽ vỡ tiếp. Hiện đã có 15 hộ dân với 40 ha sầu riêng, bưởi đã gửi đơn kiến nghị đến xã, yêu cầu chủ đầu tư hỗ trợ thiệt hại cho các vườn cây bị ngập do vỡ đập tạm.
"Việc thi công cần sớm, vì cây ăn quả nhất là bưởi sau khi ngập 5-10 ngày bắt đầu chết, người dân vừa thiệt hại nặng sau hạn mặn, họ không thể chịu thêm thiệt hại kép do ngập nữa", ông Khôi nói.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Văn Điền - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cho hay, công trình đập tạm ngăn mặn tại hai xã Phú Đức và Tân Phú do đơn vị này làm chủ đầu tư, kinh phí khoảng 16 tỷ đồng. Do chân đê trước đây đã yếu, sau khi đóng đê tạm, lâu ngày nước triều ra vào, thấm làm lở chân. Hiện nền đất yếu nên không thể đắp lên cao được, mà phải chắn bao cát chờ lún, sau đó sẽ chở đất dính đến gia cố, trả lại hiện trạng như ban đầu.
"Đây là sự cố ngoài ý muốn, chúng tôi đang cố gắng khắc phục sớm, cuối tháng này sẽ hoàn thành để người dân an tâm", ông Điền nói.