Thị phần trái chuối của Việt Nam tăng mạnh trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản
Trái chuối Việt Nam đang được ưa chuộng ở Nhật Bản
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản, trị giá nhập khẩu chủng loại quả chuối (HS 0803) của Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 728,7 nghìn tấn, trị giá 80,2 tỷ Yên (tương đương 539,3 triệu USD), giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chuối nhập khẩu bình quân đạt 110 nghìn Yên/tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhật Bản nhập khẩu chủng loại trái chuối nhiều nhất từ thị trường Philippines trong 8 tháng đầu năm 2022, đạt 557 nghìn tấn, trị giá 80,2 tỷ Yên (tương đương 418,1 triệu USD), giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 5,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhập khẩu bình quân đạt 109,6 nghìn Yên/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng trái chuối nhập khẩu từ thị trường Philippines chiếm 77,8% tổng lượng nhập khẩu. Tiếp theo là các thị trường như Ecuador, Mehico, Goatemala, Việt Nam…
Đáng chú ý, trong khi nhập khẩu trái chuối từ các thị trường chính đều giảm về lượng, thì nhập khẩu từ Việt Nam, Peru, Indonesia, Thái Lan và Lào đã tăng trong 8 tháng đầu năm 2022.
Trong đó, nhập khẩu trái chuối từ Việt Nam đạt 5,7 nghìn tấn, trị giá 687,9 triệu Yên (tương đương 4,6 triệu USD), tăng 20,1% về lượng và tăng 37,7% về trị giá so cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,8% tổng lượng trái chuối nhập khẩu vào Nhật Bản, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
Nhật Bản nhập khẩu chuối từ Việt Nam vẫn ở mức thấp, trong khi đây là loại trái cây được tiêu thụ nhiều nhất so với các loại trái cây khác tại Nhật Bản. Theo nguồn tin, các hộ gia đình Nhật Bản chi tiêu trung bình 4.387 Yên (tương đương 29,9 USD) cho trái chuối/năm. Do đó, vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng thị phần trái chuối của Việt Nam tại Nhật Bản.
Ở nước ta, chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của Việt Nam hàng năm, cho sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn. Nhật Bản là một thị trường khó tính nên chuối Việt Nam để xuất khẩu được vào đây phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe, từ thổ nhưỡng trồng chuối đến quy trình chọn giống, chăm bón đến thu hoạch, lựa chọn chuối (quả đều kích cỡ) đóng gói bao bì, vệ sinh thực phẩm, cách xếp trong container để chuối không bị va chạm, trầy xước…
Cũng chính vì thị trường trái cây Nhật Bản khó tính nhất thế giới nên nếu chuối Việt Nam xuất ổn định được ở thị trường này thì có thể đi đến bất cứ nơi nào. Trước mắt chỉ cần đáp ứng tốt cho Nhật Bản thì chuối Việt Nam đã có một thị trường rộng lớn. Bởi thị trường Nhật Bản hiện rất tiềm năng, nhu cầu về chuối rất lớn.
Do chuối có nhiều chất dinh dưỡng nên trung bình một người dân Nhật Bản một ngày ăn một trái chuối. Với dân số khoảng 100 triệu người thì nhu cầu chuối một ngày của Nhật Bản là vô cùng lớn. Và, tất nhiên, khi đã có “tấm giấy thông hành” vào thị trường Nhật Bản, chuối Việt Nam sẽ rất dễ dàng tiếp cận với thị trường các nước khác trên thế giới.