Thị trường chứng khoán 2020: Chưa phải cú sốc cuối cùng

04/05/2020 13:59 GMT+7
Những gì chúng ta đã chứng kiến từ đầu năm 2020 đến hiên tại nhiều khả năng chưa phải là "cú sốc" cuối cùng tới thị trường chứng khoán trong năm 2020.

Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) đã đưa ra cái nhìn rất thận trọng về thị trường chứng khoán 2020 khi mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa đến hồi kết.

VCBS đánh giá dù đã phát đi nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây, thị trường nhiều khả năng vẫn chưa thể hoàn toàn đảo ngược xu thế tiêu cực trong quý 2/2020.

Lưu ý "Sell in May"

Ngưỡng 800 điểm hiện đang đóng vai trò ngưỡng cản khá "cứng" đối với VN-Index. VCBS cho rằng chỉ số sẽ khó có thể vượt ngưỡng này trong quý 2, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 tiếp tục diễn biến phức tạp và nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình "thích nghi" với những biến động lớn đã đang diễn ra trên thế giới trong giai đoạn vừa qua.

VCBS dự báo chỉ số nhiều khả năng sẽ dao động tích lũy trong vùng điểm 650 – 800 trong quý 2 với các ngưỡng hỗ trợ mạnh là 750 và 650 điểm.

Thị trường chứng khoán 2020: Chưa phải cú sốc cuối cùng - Ảnh 1.

Những gì chúng ta đã chứng kiến từ đầu năm 2020 đến hiên tại nhiều khả năng chưa phải là "cú sốc" cuối cùng tới thị trường chứng khoán trong năm 2020.

Tương tự, HNX Index chưa thể bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự 120 điểm trong quý 1/2020 và chỉ số cũng ít khả năng sẽ vượt lên khỏi mốc này trong quý 2/2020 . Các ngưỡng hỗ trợ mạnh của chỉ số là 90 điểm và 100 điểm .

Thanh khoản được kỳ vọng sẽ tiếp tục có sự cải thiện cả về giá trị và khối lượng giao dịch so với quý 1/2020 nhờ sự gia tăng của dòng tiền sau giai đoạn giảm sâu trước đó. Trong đó, khối ngoại nhiều khả năng cũng sẽ quay trở lại mua ròng.

Tuy nhiên nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý giai đoạn tháng 5/2020 có thể kích hoạt hiệu ứng tâm lý "Sell in May" nếu như các chỉ số không có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh đây thường là thời điểm thiếu vắng nhiều thông tin hỗ trợ tích cực Dịch Covid 19 tác động đáng kể đến các chỉ tiêu trọng kinh tế vĩ mô trọng yếu: Tăng trưởng kinh tế; Lạm phát; và Dòng tiền vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, VCBS điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cho năm 2020 ở mức 4,4-4,9%, lạm phát cả năm ở mức 3,4- 3,9%. Dòng tiền đầu tư trực tiếp (FDI) sẽ bị gián đoạn trong những tháng đầu năm 2020 và dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) sẽ có xu hướng rút khỏi thị trường (bán ròng) ít nhất là trong nửa đầu 2020.

Chưa phải cú sốc cuối cùng

Khi thiết lập các dự báo về TTCK Việt Nam tại thời điểm đầu năm, quan điểm của VCBS đã là rất thận trọng và có tính đến những rủi ro bất thường và kịch bản đưa ra tại thời điểm đó là trường hợp lạc quan nhất.

Với diễn biến dịch như hiện tại, dự báo mới mà VCBS đưa ra cho năm 2020 sẽ tương ứng với kịch bản kém lạc quan nhất tại thời điểm đầu năm – tương ứng với việc xuất hiện suy thoái toàn cầu ("global recession, but not crisis").

VCBS tin tưởng rằng Việt Nam sẽ khống chế thành công diễn biến dịch lần này và theo đó hạn chế tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng những gì chúng ta đã chứng kiến từ đầu năm 2020 đến hiên tại nhiều khả năng chưa phải là "cú sốc" cuối cùng tới thị trường chứng khoán trong năm 2020.

Hệ quả là, mức độ biến động của TTCK năm 2020 sẽ mạnh hơn nhiều so với năm 2019.

"Chúng tôi dự báo thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động tiêu cực của dịch Covid 19 trong nửa đầu năm và dần phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2020. Theo đó, chúng tôi đưa ra kịch bản dự báo về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 là mức cao nhất trong năm của các chỉ số chính được dự báo giảm khoảng 20-25% so với "đỉnh" năm 2019", VCBS dự báo.

VCBS cho biết thêm khối lượng giao dịch trung bình phiên và Giá trị giao dịch trung bình phiên trong năm 2020 đều được kỳ vọng giảm khoảng 25%. Đặc biệt, khoảng dao động của VN-Index được kỳ vọng lớn hơn nhiều so với 2019, trong khoảng 250-300 điểm.

Nguy cơ và cơ hội

VCBS đánh giá tác động của dịch bệnh lần này đến thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như nền kinh tế Việt Nam là một thách thức lớn, đặc biệt là khi sức ảnh hưởng của vùng tâm dịch Hồ Bắc – trung tâm sản xuất công nghiệp và giao thông vận tại lớn của Trung Quốc – đến cả Trung Quốc là chưa thể tính toán được, nhất là nếu xét thêm cả mức độ ảnh hưởnng của Trung Quốc với vai trò "công xưởng của thế giới" đến nền kinh tế toàn cầu.

VCBS cho rằng tác động trực tiếp mang tính tiêu cực của dịch bệnh lần này sẽ nhiều hơn là tích cực. Tuy nhiên, điểm sáng là mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp không có sự lan tỏa.

Các nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là những ngành cần "traffic" – tức yêu cầu tập trung khách hàng với mật độ cao như Hàng không, Dịch vụ lưu trú, Chuỗi cửa hàng phân phối hàng không thiết yếu,…

Tiến độ các dự án bất động sản có thể chịu ảnh hưởng nhưng không nhiều, do quý 1 thường là mùa thấp điểm cả về xây lắp và bán hàng. Mặc dù vậy, hoạt động tiêu thụ ở một số phân khúc có thể sẽ chậm trong nửa đầu năm.

Một số ngân hàng có thể gián tiếp chịu tác động tiêu cực nhưng có độ trễ, đồng thời nghiêng nhiều hơn về nhóm ngân hàng có tỷ trọng doanh thu bán buôn lớn.

Thị trường chứng khoán 2020: Chưa phải cú sốc cuối cùng - Ảnh 3.

Hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19

Các mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước sản xuất chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ hàng Trung Quốc có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn do gián đoạn nguồn cung sản phẩm cạnh tranh từ Trung Quốc, đồng thời các doanh nghiệp cũng thường có dự trữ tồn kho nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc đủ để sản xuất trong một thời gian nhất định. 

Tuy nhiên về dài hạn, nếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc tiếp tục gián đoạn thì doanh nghiệp trong nước phải tìm kiếm nguồn thay thế khác và gây áp lực về chi phí trên nhiều khía cạnh.

Ngược lại, các doanh nghiệp phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc có thể gặp nhiều khó khăn nếu tình trạng gián đoạn nguyên liệu đầu vào kéo dài.

Ảnh hưởng tích cực đến nhóm dược phẩm là thấp mà theo VCBS thì hưởng lợi trực tiếp nhất lại là các doanh nghiệp phân phối và sản xuất sản phẩm hỗ trợ quá trình phòng và chữa bệnh (khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm chức năng, … ).

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng nhất chủ yếu là nhóm thủy sản – do thị trƣờng đầu ra hoặc vật tư đầu vào có sự phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc về vật tư, nguồn nhập hoặc mức giá.

Tiểu My
Cùng chuyên mục