Thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 6 của Việt Nam dự báo sẽ phục hồi trong năm 2022

15/03/2022 13:33 GMT+7
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 6%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong năm nay dự kiến phục

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), tính tới 15/2/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 23 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù, xuất khẩu trong thời điểm đầu năm chưa tăng nhưng tốc độ giảm đã thấp hơn so với đà giảm của năm ngoái.

Thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 6 của Việt Nam dự báo sẽ phục hồi trong năm 2022 - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong năm nay dự kiến phục hồi khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu nghiêm ngặt.

Một số công ty của Việt Nam xuất khẩu nhiều tôm sang Trung Quốc như công ty TNHH Hải sản Mai Sơn, công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải sản Linh Phát, công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Anh Nhân, công ty CP Quốc tế Logistics Hoàng Hà...

Các sản phẩm tôm chính xuất khẩu sang Trung Quốc gồm tôm sú HOSO tươi đông lạnh, tôm sú luộc nguyên con đông semi block, tôm sú nguyên con đông lạnh, tôm thẻ bỏ đầu, bỏ vỏ đông lạnh, tôm thẻ chân trắng đông lạnh đã bỏ đầu và lột vỏ, tôm thẻ chân trắng tươi bỏ đầu, lột vỏ, bỏ đuôi (PD) đông lạnh, tôm thẻ luộc nguyên con đông semi block, tôm thẻ PUD tươi đông lạnh, tôm thịt bỏ đầu lột vỏ đông lạnh IQF...

Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới với các kênh dịch vụ ẩm thực quy mô khổng lồ. Năm 2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh, nhất là khi nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc là Ecuador đang có kế hoạch giành lại thị phần trên thị trường Trung Quốc sau khi bị sụt giảm trong năm 2020 và 2021 do bị phát hiện coronavirus trên bao bì sản phẩm.

Nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2018 lên 3,7 tỷ USD năm 2021. Năm 2021, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc tăng 12% đạt 611.000 tấn. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn thứ 4 cho thị trường này sau Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan.

Mặc dù, các quy định và rào cản của Trung Quốc vẫn khắt khe, đặt biệt lại được đưa ra vào thời điểm các cơ quan hải quan của Trung Quốc thắt chặt giám sát các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu trong đại dịch COVID-19. Vấn đề lớn nhất là các DN cần kiểm soát chặt chẽ vệ sinh khử khuẩn nhất là khâu bốc dỡ để giảm thiểu các lô hàng có thể bị cảnh báo chỉ tiêu liên quan đến Covid.

Được biết, trong 5 năm (2016-2020), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ 436 triệu USD năm 2016 lên 526 triệu USD năm 2020, tăng 21% với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 9%. Tuy nhiên, năm 2021, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 412,4 triệu USD, giảm 22% so với năm 2020.

Năm 2021, Trung Quốc kiểm soát chặt nhập khẩu do tác động của dịch Covid. Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu của nhiều công ty Ấn Độ, Ecuador và một số nước châu Á. Trung Quốc có động thái đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa thay vì nhập khẩu

Hơn nữa, họ theo đuổi chính sách “zero Covid”, quy định kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19 tại các cảng nhập khẩu cả đường hàng không, đường biển và biên giới của Trung Quốc nên tạo nhiều khó khăn cho xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm ngoái.

Theo dự báo của Rabobank, năm 2022, mức tăng trưởng sản lượng tôm toàn cầu sẽ tăng khoảng 5%. Bên cạnh đó, trong năm 2022, Ecuador có thể xuất khẩu tới 1,2 triệu tấn tôm. Trong khi đó, Ấn Độ khó có khả năng phục hồi sản lượng về mức trước đại dịch cho tới năm 2023.

Về giá thị trường với sản phẩm tôm, dự kiến giảm trong năm 2022 do sản lượng tăng và những hạn chế để phòng đại dịch COVID-19.

VASEP dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường Mỹ, EU, Australia sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường chi phối sự tăng trưởng của ngành tôm xuất khẩu. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc phục hồi chậm. Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể sẽ khả quan hơn năm 2021. Dự báo năm 2022, xuất khẩu tôm sẽ tăng khoảng 10%, đạt 4,3 tỷ USD.

M.Lan
Cùng chuyên mục