Thiết bị Giáo dục Tràng An và Công ty Hà Thành "tách – nhập" thế nào trong các gói thầu giáo dục?

12/06/2024 11:00 GMT+7
Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Tràng An (Thiết bị Giáo dục Tràng An) và Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Hà Thành (Công ty Hà Thành) khi "bắt tay" liên danh, lúc là đối thủ cạnh tranh trong các gói thầu vật tư giáo dục có giá trị hàng chục tỷ đồng.

Thiết bị Giáo dục Tràng An được thành lập ngày 12/11/2001, địa chỉ trụ sở tại số 16, ngõ 113 Đào Tấn, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội với mã số thuế là 0101186696. Người đại diện pháp luật Giám đốc Lê Mạnh Hùng.

Từ lâu, doanh nghiệp này được biết đến là một "ông lớn" trong ngành thiết bị vật tư giáo dục. Cụ thể, theo số liệu trên cổng thông tin về đấu thầu cho thấy, đến thời điểm hiện tại, Tràng An đã tham gia 227 gói thầu, trong đó trúng 154 gói, trượt 58 gói, 13 chưa có kết quả, 2 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu của doanh nghiệp này lên tới gần 1.700 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý, trong nhiều gói thầu trị giá hàng chục tỷ đồng đã tham gia của đơn vị này có sự tham dự của một doanh nghiệp khác cùng ngành là Công ty Hà Thành có địa chỉ tại số 41D, tập thể Đại học Thương mại (Dương Khuê, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). Người đại diện pháp luật là bà Vũ Thị Ngọc Lan giữ vai trò Giám đốc Công ty.

Thiết bị Giáo dục Tràng An và Công ty Hà Thành

Ảnh chụp Website doanh nghiệp.

Liên tục "đổi vai"

"Vòng tròn" hợp tác – đối thủ được thể hiện tại nhiều gói thầu khi 2 doanh nghiệp nói trên cùng liên danh dự và trúng thầu. Ngược lại, ở một số thương vụ đấu thầu khác, 2 đơn vị tham gia với tư cách đối thủ cạnh tranh.

Điểm đặc biệt nằm ở việc, cách 1 trong 2 công ty bị loại với những lý do được đánh giá là khá "cơ bản" đối với doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành.

Điển hình, trong năm 2023, gói thầu "Mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông có học sinh bán trú trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo" do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum là chủ đầu tư có giá trị gần 14 tỷ đồng.

Kinh phí của gói thầu nói trên được sử dụng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Kết quả gói thầu, Thiết bị Giáo dục Tràng An " thắng dễ" đối thủ cạnh tranh duy nhất là Công ty Hà Thành khi được phê duyệt trúng thầu với giá 13,5 tỷ đồng, đạt tỉ lệ tiết kiệm ngân sách khoảng 3,1%.

Nguyên nhân Thiết bị Giáo dục Tràng An có thể dễ dàng dành chiến thắng là do Công ty Hà Thành "mắc sai lầm" cơ bản khi nộp hồ sơ dự thầu.

Cụ thể, hàng hóa của gói thầu đang xét trong E-HSMT là: thiết bị dạy học cho các trường phổ thông: Máy tính để bàn dành cho giáo viên; Ứng dụng văn phòng Office; Máy tính để bàn dùng cho học sinh; Thiết bị Wifi; Electric Keyboard (đàn phím điện tử)...

Tuy nhiên, Công ty Hà Thành lại đưa ra hàng hóa để dự thầu là các mặt hàng: Đồ dùng dạy học tối thiểu như: Lượt đồ thế giới cổ đại; bản đồ địa hình; cốc thủy tinh, ống nghiệm; Bộ dụng cụ và hóa chất điều chế oxygien...Sách giáo khoa, dụng cụ, mô hình.

Thiết bị Giáo dục Tràng An và Công ty Hà Thành

Cái cách Công ty Hà Thành bị loại trong gói thầu này gây nhiều nghi vấn, liệu rằng một doanh nghiệp đã tham gia 225 gói thầu, trong đó trúng 169 gói với tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng có thể không nghiên cứu kỹ E-HSMT và nộp hồ sơ dự thầu "lạc đề" như vậy?

Ở chiều ngược lại, không ít lần, Thiết bị Giáo dục Tràng An cũng "làm nền" cho Công ty Hà Thành trong vai trò độc lập và liên danh trúng thầu "khủng". Điển hình, tại Gói thầu số 03: Mua sắm đồ dùng - đồ chơi - thiết bị dạy học tối thiểu và đồ chơi ngoài trời cho giáo dục mầm non năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn làm chủ đầu tư.

Gói thầu trị giá hơn 54 tỷ đồng nói trên, liên danh Công ty TNHH Thuận Thành – Công ty Hà Thành 53,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm khoảng 1,7% cho ngân sách. Trong thương vụ này, Thiết bị Giáo dục Tràng An và một nhà thầu khác cũng đã bị loại từ sớm do không qua vòng đánh giá kỹ thuật.

"Bắt tay" trúng thầu

Ở một chiều hướng khác, bên cạnh những gói thầu trong vai trò cạnh tranh, Liên danh Thiết bị Giáo dục Tràng An - Công ty Hà Thành cũng không ít lần đứng chung "chiến tuyến" dự và trúng các gói thầu mua sắm giá trị hàng chục tỷ đồng.

Điển hình nhất có thể kể đến gói thầu "Mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị nhà bếp, phòng học tin cho trường mầm non trên địa bàn các huyện, thành phố (Vĩnh Yên; Tam Dương; Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch)" do Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Liên danh Tràng An – Hà Thành "một mình, một chợ" không có đối thủ cạnh tranh trúng thầu với giá 53,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Gói thầu số 04: Mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu và trang thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu ở nội trú thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn do Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Liên danh Tràng An – Hà Thành cũng trúng với giá 64,3 tỷ đồng, khá "sít sao" với giá dự toán 64,7 tỷ đồng của gói thầu.

Ngoài ra, liên danh này còn "bắt tay" trúng các gói thầu như: "Mua sắm thiết bị dạy học, thiết bị đồ dùng, đồ chơi mầm non năm 2020" do Sở GD&ĐT Ninh Bình làm chủ đầu tư (giá trúng thầu là 27,5 tỷ đồng); gói thầu "Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 cho các trường Phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2020" do Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư (giá trúng thầu là 14 tỷ đồng);…

Điểm chung của các gói thầu trên là có tỉ lệ tiết kiệm khá "khiêm tốn" khi giá trúng thầu rất sát với giá dự toán của gói thầu. Đồng thời, 2 doanh nghiệp này không gặp áp lực cạnh tranh lớn khi đa phần các gói thầu không có nhiều đơn vị tham dự hoặc dễ dàng bị loại từ sớm. Tuy nhiên, điểm khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi nghi vấn khi 2 doanh nghiệp liên tục có động thái "tách – nhập" khi là đối thủ cạnh tranh, lúc là đối tác trong các gói thầu lớn.

N.Minh
Cùng chuyên mục