TP.HCM: Thiếu nguyên liệu, chuỗi sản xuất mì, nui đứng trước nguy cơ đình trệ

11/08/2021 07:15 GMT+7
Trước tình trạng một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các doanh nghiệp sản xuất mì, nui tại TP. Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất có thể dẫn tới nguy cơ đứt gãy nguồn cung.

Theo thông tin từ bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), ngoài các nguyên liệu chính là bột mì, doanh nghiệp sản xuất đầu cuối phải nhập từ nhiều nhà cung cấp với các loại nguyên phụ liệu khác nhau.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp thuộc FFA đang không mua được ớt, hành lá, tiêu… Điển hình, mặt hàng ớt tươi một gia vị chính sản xuất mì ăn liền do phải thu mua từ các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Đồng Tháp… đang bị "nghẽn" do một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang phải "gánh" thêm nhiều chi phí phát sinh như xét nghiệm, nhiều chốt kiểm soát và thủ tục qua các chốt khó khăn, cộng với tâm lý tránh dịch vì chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19…

TP. Hồ Chí Minh: Thiếu nguyên liệu, chuỗi sản xuất mì, nui đứng trước nguy cơ đình trệ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp sản xuất mỳ, nui đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu. (Ảnh: Thể thao Việt Nam)

Đại diện của Công ty TNHH Meizan CLV, thời gian gần đây, các hệ thống bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh như Co.opmart, Bách Hóa Xanh… đang tăng số lượng đặt hàng sản phẩm mì, nui. Tuy nhiên, do bị thiếu một số nguyên liệu phụ, doanh nghiệp này cũng đành "bó tay".

"Thành phần sản xuất chính của chúng tôi là bột mì vẫn chủ động được vì có dự trữ. Tuy nhiên với bột gạo ướt do phải nhập từ khu vực miền Tây Nam bộ nên khi vùng này thực hiện Chỉ thị 16 việc thu mua bị đứt gãy", đại diện của Công ty TNHH Meizan CLV chia sẻ.

Trước tình trạng thiếu nguyên phụ liệu nói trên, đại diện FFA cho biết, hiện tại, các nhà cung cấp buộc phải chuyển sang thu mua nguồn nguyên liệu này từ Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) với giá cao hơn nhưng chất lượng không tốt bằng.

Với hoàn cảnh phải thay đổi hệ thống chuỗi cung ứng, bà Lý Kim Chi cho biết, FFA đã đề xuất với các đơn vị chức năng có thẩm quyền cho phép đối với các loại nguyên liệu phụ như gia vị, hương liệu, phụ gia... thì có thể tìm loại khác thay thế.

Tuy nhiên, hiện tại, theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định liên quan thì với những điều chỉnh nói trên, doanh nghiệp cần phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì hiện tại.

Thông thường việc này mất khá nhiều thời gian và trong thời điểm này sẽ càng mất nhiều thời gian hơn nữa và nếu in lại bao bì thì chi phí phát sinh sẽ rất lớn, bao bì cũ còn nhiều phải bỏ sẽ rất lãng phí và như vậy khả năng các doanh nghiệp sẽ phải tạm ngưng sản xuất là rất cao.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục