Thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hà Nội
Các hoạt động ĐMST của Thủ đô có hàm lượng tri thức cao, tạo động lực mạnh mẽ phát triển nền kinh tế-xã hội của thành phố nói riêng và cả khu vực vùng Thủ đô nói chung.
Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, những năm qua, hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Hà Nội diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Hà Nội đang từng bước phát triển dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị có liên quan. Cụ thể, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 quy định quy chế đặc thù cho khởi nghiệp ĐMST; UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9-9-2019 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019-2025”.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên tổng số 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của cả nước (chiếm 26,32%); có 32 vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực (chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước); có 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh (chiếm 40% cả nước).
Từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn thành phố đã huy động được 1 tỷ USD với 100 thương vụ gọi vốn thành công. Năm 2022, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội là 13.663 đơn (chiếm 33,8% và đứng đầu cả nước). Số lượng bằng, giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp năm 2022 trên địa bàn thành phố là 10.387 bằng, giấy chứng nhận (chiếm 33% và đứng thứ hai cả nước). Chỉ số ĐMST năm 2022 của Hà Nội cũng đứng đầu toàn quốc.
TS Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Hệ thống doanh nghiệp BK Holdings ( Đại học Bách khoa Hà Nội), Chủ tịch Hiệp hội ĐMST và khởi nghiệp TP Hà Nội cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, thực trạng của khởi nghiệp ĐMST đang phát triển thiếu tính bền vững với tỷ lệ thất bại lên đến 90% trong 3 năm đầu tiên. Việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST bao gồm Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các trường đại học sẽ là phương thức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp một cách toàn diện.
Để thực hiện điều này, các trường đại học có vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh ĐMST và khởi nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại đại đa số trường đại học Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế về mô hình tổ chức; nhận thức của sinh viên, giảng viên và nhà trường chưa cao; sự hỗ trợ khởi nghiệp của các bên liên quan chưa tốt, đặc biệt là sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường; thiếu thông tin và cơ chế, cũng như hành lang pháp lý cho quá trình khởi nghiệp dựa vào ĐMST chưa có đầy đủ.
Mỗi trường đại học, viện nghiên cứu là một trung tâm đổi mới sáng tạo
Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn đề nghị các sở, ban, ngành đẩy nhanh việc kết nối nền tảng trực tuyến về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thành phố Hà Nội với hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Hà Nội phấn đấu mỗi trường đại học, viện nghiên cứu là một trung tâm ĐMST góp phần cung cấp, kết nối nguồn lực cho hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần xây dựng và vận hành hiệu quả trung tâm ĐMST và khởi nghiệp. Đây là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội và các địa phương lân cận; cung cấp những dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trung tâm sẽ thu hút, gắn kết các nguồn lực trong, ngoài nước để đầu tư cả về nhân lực và tài chính cho khởi nghiệp ĐMST. Mặt khác, Hà Nội cần đẩy mạnh truyền thông, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội; thu hút sự quan tâm, tham gia và đầu tư của xã hội cho khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng văn hóa khởi nghiệp, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên nhằm gia tăng chỉ số khởi nghiệp sáng tạo. Hà Nội cũng cần tận dụng tối đa thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời tranh thủ sự quan tâm, nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, nhất là từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
TS Nguyễn Trung Dũng đề xuất Nhà nước cần định hướng rõ về việc khởi nghiệp gắn liền với ĐMST thông qua chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngành giáo dục, khoa học-công nghệ, lan tỏa tới các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và tới từng sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên. Chính vì vậy, việc gắn kết ĐMST và khởi nghiệp với kết quả nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phải được xác định là điều kiện tiên quyết. Hoạt động khởi nghiệp ĐMST của các trường đại học cần có sự định hướng cụ thể, đầu tư trọng điểm, tránh làm theo phong trào, không phải trường nào cũng đầu tư “từ A tới Z” quá trình ĐMST mà cần phối hợp chặt chẽ với nhau, phát huy tính đa dạng và lợi thế đặc thù của từng trường.