Thượng Hải phong tỏa vì Covid-19 "sẽ ảnh hưởng gần như toàn bộ thương mại thế giới"
Hàng loạt lệnh phong tỏa tại Thượng Hải và nhiều thành phố khác trên khắp lãnh thổ Trung Quốc đang làm gia tăng áp lực lên ngành công nghiệp vận tải hàng hóa của quốc gia này nói riêng và toàn cầu nói chung, khiến cho hoạt động thông thương hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chính phủ vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược zero Covid, trong bối cảnh số lượng ca nhiễm liên tục đạt đỉnh.
Sự đứt gãy này đặc biệt ảnh hưởng lớn tới ngành vận tải, vốn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình luân chuyển hàng hóa giữa các thành phố, và tới một số các cảng biển lớn nhất thế giới. Nhưng quá trình này đang phải đối mặt với một loạt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với các lái xe và hàng hóa, và tại những địa điểm xuất hiện các ca dương tính.
“Vận chuyển bằng xe tải là một vấn đề lớn đối với chúng tôi ở thời điểm hiện tại”, theo Mads Ravn, phó chủ tịch kiêm giám đốc toàn cầu công ty vận tải hàng không DSV, một trong những đơn vị môi giới vận tải lớn nhất trên thế giới.
Ông bổ sung rằng việc đặt lịch vận chuyển bằng xe tải là điều gần như không thể và các hoạt động vận tải hàng không tới sân bay Phố Đông chỉ tương đương với 3% công suất thường nhật trong tháng trước, khi việc vận chuyển hàng hóa bị giới hạn chỉ còn những hàng hóa thiết yếu như dược phẩm.
“Về cơ bản, mọi thứ đang đứng yên tại chỗ hoặc chuyển đích đến từ Thượng Hải sang các khu vực khác trên lãnh thổ Trung Quốc. Điều này đang ảnh hưởng tới mọi mặt hàng mà bạn có thể nghĩ tới”, ông cho biết. “Nó sẽ ảnh hưởng tới hầu như mọi hoạt động thương mại toàn cầu”.
Trung Quốc đang phải đối diện với một trong những đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ sau sự kiện Vũ Hán hơn 2 năm về trước. Thượng Hải công bố gần 20.000 ca nhiễm mới trong ngày 7/4, một con số kỷ lục đối với thành phố này. Maersk, công ty vận tải Đan Mạch, đã đưa ra cảnh báo hồi cuối tháng 3 rằng các biện pháp phong tỏa của thành phố sẽ kéo tụt các hoạt động dịch vụ vận tải vào và ra khỏi thành phố khoảng 30%.
Nhưng sau đó, các lệnh phong tỏa, vốn ban đầu chia thành phố thành 2 khu vực phong tỏa trong 9 ngày, đã gia tăng về cả phạm vi và mức độ, khiến cho toàn thành phố rơi vào tình trạng “cô lập” ngay lập tức. Vẫn không rõ tới thời điểm nào, các biện pháp phong tỏa này mới được nới lỏng.
Các biện pháp phong tỏa, là nguồn gốc gây ra không ít lời phàn nàn từ phía người dân Thượng Hải khi họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các loại hàng hóa, thực phẩm và bị giám sát chặt chẽ bởi các máy bay không người lái, cũng được áp dụng tại nhiều địa phương khác tại Trung Quốc khi họ đang nỗ lực kiểm soát được đợt bùng phát dịch lần này.
Nomura, ngân hàng tới từ Nhật Bản, tuần này đưa ra ước tính rằng 23 thành phố và khoảng 200 triệu người dân đang nằm trong phạm vi các khu vực bị phong tỏa một hoặc toàn phần.
“Những con số nói trên có thể là không đủ để diễn tả hết phạm vi phong tỏa trên toàn lãnh thổ Trung Quốc khi mà nhiều thành phố các cũng đang cho xét nghiệm trên diện rộng, và hoạt động di chuyển bị hạn chế trên phần lớn các khu vực”, theo Ting Lu, nhà kinh tế học trưởng Trung Quốc tại Nomura.
Bo Zhuang, chuyên gia phân tích tại Loomis Sayles, chia sẻ: “Nhiều lối vào và ra khỏi cao tốc nối các tỉnh thành đã bị đóng, và các địa phương không tích cực hợp tác với nhau nhằm giảm bớt áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng”.
Các công ty giao hàng nhanh tại tỉnh An Huy và Giang Tô, tiếp giáp với thành phố Thượng Hải, chia sẻ với Financial Times rằng rằng hàng hóa không thể vận chuyển tới bất cứ một khu vực nào có xuất hiện ca dương tính, bao gồm cả Thượng Hải.
Các đơn hàng từ Taobao, một trang thương mại điện tử phổ biến tại Trung Quốc, cũng bị đình trệ vì những biện pháp phong tỏa phòng chống dịch bệnh.
Ngoài việc gián đoạn luồng vận tải nội địa, các chuyên gia phân tích cũng đưa ra cảnh báo rằng các nút thắt vận tải nội địa trong tương lai có thể khiến cho hoạt động vận tải biển bị gián đoạn khi lượng hàng hóa hoặc đơn hàng bị ứ đọng, qua đó chi phí vận tải cũng sẽ tăng lên một khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.
“Một khi Thượng Hải mở cửa trở lại, chúng ta sẽ gặp lại một hoàn cảnh quen thuộc đã xảy ra rất nhiều lần”, theo Lars Jensen, giám đốc điều hành của Vespucci Maritime, một công ty tư vấn. “Lưu lượng hàng hóa và giá cước sẽ có xu hướng tăng lên”.
Những dữ liệu kinh tế mới nhất công bố hôm 6/4 đã phản ánh những ảnh hưởng từ sự gia tăng các biện pháp phong tỏa trong thời gian gần đây, với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) dịch vụ của Caixin đã có mức giảm vắt tháng tồi tệ nhất trong tháng 3, tính từ đầu năm 2020.
Hiện tượng các tàu chở hàng “xếp hàng” dài ngoài khơi các cảng biển lớn nhất thế giới tại Thượng Hải vẫn chưa được ghi nhận. Tại Thượng Hải, chính quyền thành phố này đang cho áp dụng một hệ thống quản lý khép kín, qua đó, người lao động tại cảng sẽ không rời khỏi nơi làm việc ngay cả khi ca làm việc đã kết thúc.
Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa luân chuyển qua cảng, theo dõi bởi FourKites, đã giảm khoảng 1/3 kể từ ngày 12/3 khi các đơn vị nhập khẩu và xuất khẩu thay đổi đường đi của hàng hóa.
China Daily cho biết hàng hóa bị dồn về Thượng Hải qua đường biển vì nhiều thành phố lân cận đã cấm các lái xe tải được di chuyển vào địa bàn của họ.
Maersk chia sẻ hồi tuần trước rằng họ có thể cung cấp các dịch vụ vận chuyển thông qua hệ thống đường sắt hoặc bằng xà lan như là những giải pháp thay thế nhằm khai thông luồng vận chuyển hàng hóa giữa Thượng Hải với các thành phố lân cận.
Nhưng Bo, tới từ Loomis Sayles, cho biết đó chỉ là những giải pháp tạm thời, vì khi dịch bệnh lan rộng ra nhiều hơn các địa phương, những con đường đó rất có thể cũng sẽ bị đóng lại”.