TikTok rơi vào tầm ngắm của Mỹ: Đòn đau đe dọa tham vọng của các đại gia công nghệ Trung Quốc

04/08/2020 11:03 GMT+7
Việc chính phủ Mỹ tiếp tục nhắm mục tiêu vào ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc đang đe dọa tương lai cũng như tham vọng toàn cầu hóa của các công ty công nghệ Trung Quốc.
Khi TikTok rơi vào tầm ngắm của Mỹ, tham vọng toàn cầu của các đại công ty Trung Quốc lung lay - Ảnh 1.

Tham vọng toàn cầu của các đại công ty Trung Quốc lung lay sau "tấm gương" từ TikTok

ByteDance, công ty mẹ của TikTok trước đây được biết đến như một trong những gã tiên phong, thành công trên con đường toàn cầu hóa tại Trung Quốc. TikTok hiện có 70 triệu người dùng tại Mỹ, 10 triệu người dùng Nhật Bản - 2 trong số top 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 200 triệu người dùng ở Ấn Độ - một trong những thị trường đông dân bậc nhất toàn cầu.

ByteDance cũng là “kỳ lân” (công ty khởi nghiệp công nghệ) lớn nhất thế giới được CB Insights định giá khoảng 140 tỷ USD. Mặc dù chưa thể sánh ngang với các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Baidu, Alibaba Group Holding và Tencent Holdings nhưng ByteDance đang ngày càng phát triển, nhanh chóng bắt kịp các ông lớn. Đặc biệt hơn, ByteDance tỏ ra ít phụ thuộc vào thị trường nội địa.

Tuy nhiên, tốc độ bành trướng nhanh chóng của ByteDance nói chung và ứng dụng TikTok nói riêng đã khiến Washington để mắt. Chính quyền Tổng thống Trump lo ngại TikTok trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia do điều luật quy định các công ty khai thác mạng Trung Quốc buộc phải hợp tác với cơ quan điều tra nước này theo luật an ninh mạng ban hành năm 2017. Mọi cá nhân và tổ chức tại Trung Quốc cũng có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho nhà nước nếu được yêu cầu.

Từ phía Washington, điều này có nghĩa là TikTok và mọi ứng dụng Trung Quốc khác sẽ buộc phải chuyển dữ liệu bảo mật của người dùng Mỹ cho Bắc Kinh. “Đó có thể là dữ liệu về nhận dạng gương mặt, thông tin về nơi cư trú, số điện thoại, bạn bè và tất cả những ai kết nối với họ” - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 2/8 nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn từ Fox News.

Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn bậc nhất toàn cầu cũng có luật pháp cho phép các chính phủ có được thông tin cá nhân mà không cần sự đồng ý của công dân đó, nhưng thường chỉ được sử dụng trong trường hợp điều tra tội phạm hay khủng bố. Nhưng điều này không chắc sẽ xảy ra ở Trung Quốc.

Năm 2006, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động Great Firewall - hệ thống kiểm duyệt internet trong biên giới quốc gia. Hệ thống này đã chặn hoàn toàn quyền truy cập của người dùng vào các ứng dụng như YouTube, Facebook và Twitter vào năm 2009, khi các nền tảng này ngày càng trở nên phổ biến. Nguyên nhân được cho là trên các ứng dụng này xuất hiện nhiều nội dung nhạy cảm chính trị liên quan đến Tây Tạng và dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.

Đến năm 2020, các dịch vụ tìm kiếm và Email được cung cấp bởi Google cũng không còn hoạt động tại Trung Quốc sau khi đại gia công nghệ Mỹ từ chối kiểm duyệt nội dung theo yêu cầu của chính phủ Bắc Kinh. Khi ông Tập Cận Bình giữ ghế Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2012, các kiểm soát internet càng được thắt chặt hơn nữa. 

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và sự phân cực giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Washington có lý do để quan ngại. Cho đến nay, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa hàng chục công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó có cả nhà cung cấp viễn thông hàng đầu thế giới Huawei hay nhà cung cấp thiết bị giám sát lớn nhất toàn cầu Hikvision. TikTok đang có nguy cơ bị cấm cửa và trở thành “Huawei thứ hai” khi bị cuốn vào tâm điểm xung đột Mỹ Trung.

Mới đây nhất, đại gia công nghệ Mỹ Microsoft đang xúc tiến thỏa thuận mua lại các hoạt động của TikTok tại thị trường Mỹ, Canada, Úc và New Zealand. Tổng thống Donald Trump đã ra tối hậu thư yêu cầu thương vụ hoàn tất trước ngày 15/9 hoặc sẽ bị cấm cửa. Có khả năng, thương vụ sẽ dẫn đầu cho làn sóng các công ty Mỹ mua lại những tiện ích internet từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục