Tổng thống Trump quyết không cho Iran xuất khẩu dầu

23/04/2019 06:45 GMT+7
Chính quyền ông Trump muốn đẩy mạnh thực hiện mục tiêu đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0 bằng cách chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt một số khách hàng lớn nhất của Iran.

Chính quyền ông Trump muốn đẩy mạnh thực hiện mục tiêu đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0 bằng cách chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt một số khách hàng lớn nhất của Iran.

Hồi tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi hiệp định hạt nhân với Iran từ năm 2015 và khôi phục các lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với nền kinh tế Iran từ tháng 11/2018. Khi đó, chính quyền của ông Trump cũng cho phép miễn trừ cho 8 quốc gia được tiếp tục nhập khẩu một lượng dầu thô hạn chế từ Iran trong vòng 6 tháng.

Thị trường mong đợi Washington sẽ tiếp tục miễn trừ cho 5 trong số 8 quốc gia trên. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump đã quyết định răng bất kỳ quốc gia nào tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ kể từ ngày 2/5, không có ngoại lệ.

Ý định của Nhà Trắng là khiến mức xuất khẩu dầu mỏ của Iran về 0, làm mất đi nguồn thu chính của nước cộng hòa Hồi giáo này.

Ảnh: WSJ

Chính quyền Trump đang cố gắng buộc Iran lên bàn đàm phán. Năm ngoái, Mỹ đã đưa ra 12 yêu cầu buộc Iran phải đáp ứng thì Mỹ mới dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Các yêu cầu đối với Iran bao gồm việc giới hạn chương trình hạt nhân, chấm dứt các vụ thử tên lửa đạn đạo, cắt đứt hỗ trợ cho các nhóm khủng bố theo chỉ định và thả tự do cho các công dân Mỹ bị giam giữ.

Quyết định ngừng miễn trừ trừng phạt có nguy cơ làm thị trường hụt đi khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, vào đúng thời điểm các nguồn cung dầu đang bị thắt chặt. Các hợp đồng mua dầu thô tăng vọt lên mức cao nhất trong sáu tháng khi tin tức về chính sách này được tờ Washington Post đưa ra hôm Chủ nhật vừa rồi.

Nhà Trắng cho biết chính quyền của ông Trump sẽ hợp tác với các đối thủ của Iran trong khu vực này là Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất để bù đắp nguồn cung sụt giảm từ Iran.

Hai nước trên hiện đang hợp tác với các thành viên khác của OPEC và một số quốc gia sản xuất dầu khác, bao gồm Nga, để hạn chế nguồn cung cấp dầu. Cái gọi là liên minh OPEC+ đã cố gắng giữ mức sản lượng bán ra thị trường là 1,2 triệu thùng mỗi ngày kể từ tháng 1, sau khi giá dầu tụt giảm trong những tháng cuối năm 2018.

Tuyên bố của Nhà Trắng cho thấy nhóm này sẽ thay đổi chiến thuật và tăng sản lượng lên. Sau thông báo chính thức của mình, ông Trump đã viết trên Twitter rằng Ả Rập Xê Út và các thành viên OPEC khác sẽ bù đắp lại sự sụt giảm nguồn cung của Iran.

Ba trong số các quốc gia được miễn trừ trước đây là Hy Lạp, Ý và Đài Loan đã ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu dầu từ Iran. Các nhà phân tích dự đoán rằng chính quyền Trump sẽ tiếp tục miễn trừ cho Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ; tất cả các nước này đều tận dụng lệnh miễn trừ trong sáu tháng đầu tiên bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái.

Các công ty thuộc các quốc gia trên sẽ không thể sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ nếu họ tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran. Câu hỏi đặt ra là liệu một số quốc gia có tìm cách né lệnh trừng phạt, chẳng hạn như tạo điều kiện hoặc khuyến khích mua dầu thô của Iran thông qua các công ty không liên quan tới hệ thống tài chính của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm thứ Hai đã lên án chính sách của Washington.

Geng Shuang, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên “Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương và cái gọi là "quyền tài phán vươn dài" do Mỹ áp đặt. Sự hợp tác của chúng tôi với Iran là công khai, minh bạch và phù hợp với luật pháp quốc tế, do đó cần được tôn trọng. Chính phủ của chúng tôi cam kết duy trì các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc và sẽ đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong việc duy trì sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu.

Đầu tháng này, chính quyền Trump đã gọi lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran là một tổ chức khủng bố, đây là lần đầu tiên Mỹ gán cho quân đội của một quốc gia khác là khủng bố.

Quỳnh Diệp
Cùng chuyên mục