Trong làn sóng bán tháo hoảng loạn, Trung Quốc lọt top thị trường tệ nhất châu Á

28/07/2021 16:25 GMT+7
Làn sóng bán tháo ồ ạt đang nhuốm đỏ các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc, biến nơi đây thành thị trường hoạt động tệ nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Tính đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch hôm 27/7, chỉ số CSI 300 - theo dõi các cổ phiếu lớn nhất được niêm yết ở Trung Quốc đại lục - đã giảm 8,83% từ đầu năm đến nay.

Chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc) cũng tụt 7,88% trong cùng kỳ.

Các nhà phân tích tại Bespoke Investment Group nhận định: “Chỉ số Hang Seng chưa từng trải qua hai phiên giảm liên tiếp nào tồi tệ như vậy kể từ cuộc khủng hoảng Tài chính năm 2008 đến nay”.

Các chỉ số chính khác của thị trường chứng khoán đại lục như Shanghai Composite hay Shenzhen Component cũng rơi vào vùng tiêu cực trong năm nay và trở thành số ít chỉ số ghi nhận mức giảm tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Chỉ số thị trường mới nổi của MSCI (MSCI Emerging Markets Index) cũng giao dịch giảm từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu hàng loạt gã khổng lồ công nghệ hàng đầu đất nước như Tencent, Alibaba, Meituan đều nằm trong số 5 mã giảm mạnh nhất của chỉ số này tính đến ngày 30/6.

Đà giảm diễn ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý Trung Quốc siết chặt quy định giám sát trong hàng loạt lĩnh vực từ công nghệ, giáo dục đến giao hàng thực phẩm. Điều này tạo sức ép lớn lên thị trường, khiến các nhà đầu tư hoảng loạn và bán tháo.

Trong phiên giao dịch sáng 28/7, cả thị trường Hong Kong và Trung Quốc đại lục đều chật vật để phục hồi sau các phiên giao dịch giảm liên tiếp trước đó. So sánh với thời điểm bắt đầu quý II, khi đó tất cả các chỉ số chính trên thị trường đại lục và cả Hang Seng Index của Hong Kong đều giao dịch trong vùng tích cực. Tính đến cuối tháng 6, Shenzhen Component tăng 4,78% trong năm trong khi Hang Seng tăng 5,86% trong cùng kỳ.

Trong làn sóng bán tháo hoảng loạn, Trung Quốc lọt top thị trường tệ nhất châu Á - Ảnh 1.

Trong làn sóng bán tháo hoảng loạn, Trung Quốc lọt top thị trường tệ nhất châu Á (Ảnh: Getty Images)

Bắc Kinh dội tin xấu lên thị trường

Đợt bán tháo mới nhất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu sau một báo cáo của Bloomberg vào cuối tuần trước tiết lộ các cơ quan quản lý Bắc Kinh đang xem xét mức phạt kỷ lục với gã khổng lồ gọi xe Didi Global, không loại trừ khả năng buộc hủy niêm yết trên thị trường Mỹ

Sau tin tức khởi đầu này, hàng loạt báo cáo tiêu cực liên tiếp xuất hiện về việc Bắc Kinh siết chặt quy định trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Chẳng hạn, nhiều mã cổ phiếu giáo dục của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã lao dốc không phanh khi Bắc Kinh thông qua loạt quy định mới nghiêm cấm các cơ sở giáo dục cung cấp dịch vụ giảng dạy nội dung trong trường học theo hình thức kiếm lợi nhuận, huy động vốn hoặc cổ phần hóa. Theo quy định mới của Bắc Kinh, tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ dạy thêm theo chương trình giảng dạy tại trường học sẽ trở thành các tổ chức phi lợi nhuận, ngoài ra không được cấp giấy phép hoạt động mới. 

Sự thay đổi quy chế đã ảnh hưởng đến hàng loạt công ty giáo dục vì lợi nhuận của Trung Quốc. Hàng loạt cổ phiếu giáo dục niêm yết tại Hong Kong cũng giảm mạnh. Cổ phiếu tập đoàn giáo dục & Công nghệ Phương đông Mới, tập đoàn giáo dục BestStudy Trung Quốc và tập đoàn công nghệ Koolearn đều bốc hơi hơn 30% chỉ trong phiên giao dịch 26/7.

Tiếp đó, cơ quan quản lý chống độc quyền Trung Quốc tiếp tục cấm Tencent tham gia các thỏa thuận độc quyền bản quyền âm nhạc do quan ngại hành vi cạnh tranh không công bằng sau khi Tencent mua lại tập đoàn China Music Corporation. 

Đầu tuần này, Cục Quản lý Thị trường Trung Quốc tiếp tục ban hành một hướng dẫn mới với các nền tảng giao hàng thực phẩm, bao gồm mức lương tối thiểu cho nhân viên giao hàng, một động thái có thể gây thiệt hại cho lợi nhuận các gã khổng lồ giao hàng như Meituan hay Ele.me - công ty con của Alibaba.

Mối quan ngại của thị trường đang lan dần sang lĩnh vực bất động sản. Cổ phiếu tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande - vốn đang ôm bom nợ lớn và đối diện hàng loạt nguy cơ tài chính - đã lao dốc 13,41% trong phiên giao dịch hôm 27/7 sau tuyên bố hủy đợt trả cổ tức đặc biệt. Là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc nhưng China Evergrande đang đối diện nguy cơ lớn trong nhiều tháng qua khi gánh nặng nợ tăng vọt trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát lĩnh vực bất động sản. 

Chuyên gia JPMorgan chỉ ra cơ hội trong bất ổn

Ngay cả trong bối cảnh thị trường bất ổn hiện nay, chuyên gia phân tích Alex Wolf của Ngân hàng tư nhân JPMorgan vẫn nhận thấy cơ hội từ các cổ phiếu niêm yết ở thị trường đại lục, vốn khó tiếp cận đối với các nhà đầu tư cá nhân hơn là cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong.

Hầu hết các cổ phiếu Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt bán tháo vừa qua được niêm yết ở Mỹ hoặc Hong Kong. Những cổ phiếu này có xu hướng phần lớn thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, do khả năng tiếp cận với nhà đầu tư đại lục khó khăn hơn. 

Ông Alex Wolf bày tỏ sự hứng thú với các cổ phiếu hạng A của những công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải hoặc Thâm Quyến, do những cổ phiếu này ít bị tác động bởi các tin tức trên internet cũng như dòng vốn ngoại.  “Từ quan điểm của các nhà đầu tư trong nước, cổ phiếu hạng A - mà chúng tôi tin là nó chủ yếu thuộc sở hữu trong nước - thường gắn với tác động từ các sáng kiến chính sách. Chúng có xu hướng ít bị ảnh hưởng bởi những xu hướng bán tháo hiện tại”.


NTTD
Cùng chuyên mục