Trừng phạt: Nga mệt, phương Tây cũng không khỏe

21/03/2022 06:58 GMT+7
Không chỉ Nga, phương Tây cũng là bên bắt đầu cảm nhận tác động tiêu cực từ cuộc chiến trừng phạt liên quan xung đột ở Ukraine.

Các lệnh trừng phạt chưa tiền lệ mà phương Tây áp lên Nga nhằm làm áp lực để nước này chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine không chỉ gây khó khăn cho Nga, mà phương Tây cũng bắt đầu cảm nhận tác động tiêu cực.

Giá tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu tăng cao kỷ lục

Mỹ đang chứng kiến giá tiêu dùng tăng mạnh. Giá tiêu dùng tháng 2 ở Mỹ tăng 7,9% so với năm ngoái, đánh dấu mức tăng hằng năm nhanh nhất kể từ năm 1982, theo hãng tin Bloomberg.

Mức lạm phát tăng 0,8% trong tháng 2 so với một tháng trước đó, phản ánh chi phí xăng dầu, thực phẩm và chỗ ở tăng. Trong tháng 1, chỉ số giá năng lượng tăng 3,5%, đánh dấu mức tăng hằng tháng lớn nhất kể từ tháng 10/2021. Trong năm qua, chỉ số giá năng lượng đã tăng 25,6%.

Ngày 17/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden xác định rằng xung đột Nga - Ukraine là yếu tố chính góp phần dẫn đến đợt tăng giá gần đây nhất.

Tại châu Âu, giá tiêu dùng tăng mạnh 5,1% trong tháng 1 và tăng tới 5,9% trong tháng 2, so với mức tăng 0,9% hằng năm của năm ngoái, đánh dấu mức tăng kỷ lục hằng năm nhanh nhất, cơ quan thống kê Eurostat cho biết hôm 17/3.

Giá tăng mạnh nhất ở Lithuania (14,0%), Estonia (11,6%) và CH Czech (10%), tăng thấp nhất ở Malta, Pháp (cùng 4,2%) và Bồ Đào Nha, Phần Lan, Thụy Điển (cùng 4,4%). Theo dữ liệu của Eurostat, lạm phát giá tiêu dùng chỉ giảm ở hai nước EU, trong khi tăng đột biến ở 25 nước. Tăng cao nhất là ở lĩnh vực năng lượng, tiếp theo là dịch vụ, thực phẩm, rượu, thuốc lá và hàng công nghiệp phi năng lượng.

Giá xăng ở châu Âu tăng gần gấp đôi trong tháng 3 lên khoảng 2 euro/lít. Từ cuối tháng 2, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại: 3.900 USD/1.000 m3. Một năm trước, giá dao động ở mức 250/300 USD/1.000 m3, theo hãng tin RIA Novosti.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng giá sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới. Nhà cung cấp năng lượng GASAG (Berlin) dự đoán tới tháng 5, hóa đơn khí đốt ở Đức sẽ tăng ít nhất 26%. Tờ Berliner Zeitung ngày 17/3 dẫn thông tin từ GASAG cho biết công ty này đã ngưng ký thêm hợp đồng điện và khí đốt mới, với lý do giá tăng và không thể đưa ra mức giá hợp lý cho khách hàng mới. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell phải đề nghị người dân giảm hệ thống sưởi trong nhà.

Nga đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của EU và 25% lượng dầu thô nhập khẩu của khối này. EU và Mỹ đã áp đặt bốn đợt trừng phạt chưa từng có đối với Nga, liên quan cuộc chiến ở Ukraine. Mỹ, Anh, Canada và Úc cấm nhập khẩu tất cả sản phẩm năng lượng của Nga.

EU không tham gia cấm nhập sản phẩm năng lượng của Nga lần này. Trao đổi với đài ARD ngày 13/3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận nếu cắt nguồn cung cấp năng lượng từ Nga ngay bây giờ sẽ làm suy yếu nền kinh tế và khiến cuộc sống của người dân khốn khổ. Vì lo ngại giá năng lượng tăng ảnh hưởng đến ví tiền của người dân, Hungary đã phản đối trừng phạt lĩnh vực năng lượng Nga.

Trừng phạt: Nga mệt, phương Tây cũng không khỏe - Ảnh 1.

Các lãnh đạo EU tham gia một hội nghị thượng đỉnh bàn giải quyết hậu quả từ xung đột Nga / Ukraine tại cung điện Versailles, gần Paris (Pháp) vào ngày 11/3. Ảnh: AFP

Tình hình sẽ còn căng

Theo đài RT, nhằm trả đũa trừng phạt từ phương Tây, Nga gần đây đã cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng (thiết bị viễn thông, y tế, ô tô, nông nghiệp, điện và công nghệ…) sang “các quốc gia không thân thiện” đến cuối năm 2022. Nga cũng “đình chỉ xuất khẩu một số loại gỗ và sản phẩm gỗ cho các quốc gia đang có các hành động thù địch chống lại Nga”.

Ngày 17/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lo rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, hai trong những nước sản xuất cây lương thực hàng đầu thế giới, có thể sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực trong 12/18 tháng tới, đặc biệt ở châu Phi và Trung Đông, theo hãng tin Reuters.

25/26 tỉ euro sẽ được chi giúp các hộ gia đình, công ty, nông dân và ngư dân đối phó với sự suy thoái kinh tế liên quan đến xung đột Nga / Ukraine, theo kế hoạch giảm thiểu tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt Nga mà chính phủ Pháp công bố ngày 16/3, theo trang France.24.

Bên cạnh đó, việc Mỹ, Anh, Canada và Úc cấm nhập khẩu dầu của Nga vào đầu tháng này ảnh hưởng đến khoảng 13% lượng dầu xuất khẩu của Nga. Các công ty dầu mỏ quốc tế ngừng liên doanh với các nhà sản xuất dầu thô của Nga, các ngân hàng ở nước ngoài ngừng giao dịch với Nga, EU tuyên bố cấm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga.

Ngày 16/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng Nga có thể buộc phải cắt giảm gần 1/3 sản lượng khai thác dầu thô từ tháng 4 (tương đương 3 triệu thùng dầu thô/ngày, chiếm 3% thị trường thế giới) nếu không tìm được người mua vì lệnh trừng phạt của phương Tây và đây sẽ là “cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập niên”. Theo IEA, chỉ có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có công suất dự phòng đáng kể có thể giúp bù đắp sự thiếu hụt từ Nga nhưng chưa rõ hai nước này tính toán thế nào.

Kết thúc phiên giao dịch hôm 17/3, giá dầu thô brent tăng hơn 8% sau cảnh báo đáng lo ngại từ IEA về triển vọng thị trường năng lượng. Trong tháng 3, giá dầu brent có lúc lên tới 140 USD/thùng, sau đó giảm trở lại dưới 100 USD/thùng trong tuần này. Ngày 17/3, giá dầu brent tăng 8,8% ở mức 106,64 USD/thùng, trong khi hợp đồng dầu thô Tây Texas Intermediate của Mỹ tăng 8,4% ở mức 102,98 USD/thùng.

Chưa rõ Nga tới đây có đi tới bước cắt giảm cung cấp dầu và khí đốt cho châu Âu hay không. Theo các nhà phân tích, nếu Nga đi bước này thì giá năng lượng sẽ còn bị đẩy lên cao hơn nữa và kinh tế khu vực sẽ rơi vào suy thoái.•

Mỹ sẽ xuất khí đốt sang châu Âu

Ngày 16/3, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo phê duyệt xuất khẩu bổ sung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ hai cơ sở chính ở vùng duyên hải vịnh Mexico. Quyết định này nhằm giúp châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang tồi tệ hơn do xung đột Nga - Ukraine.

Theo đó mỗi ngày sẽ có khoảng 20,4 triệu m3 nhiên liệu siêu lạnh được xuất khẩu từ các bến cảng Sabine Pass (Louisiana) và Corpus Christi (Texas) tới các quốc gia không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, bao gồm toàn bộ châu Âu.

Trước đây, phía Mỹ chỉ được phép xuất khẩu khí đốt cho các quốc gia mà Mỹ có hiệp định thương mại tự do, bao gồm Canada, Mexico, Úc, hơn một chục quốc gia ở châu Á, Trung Đông, Trung và Nam Mỹ. Giờ mọi dự án xuất khẩu LNG của Mỹ đang hoạt động đều được chấp thuận xuất khẩu hết công suất sang bất kỳ quốc gia nào mà không bị luật pháp hoặc chính sách của Mỹ cấm.

Theo PLO
Cùng chuyên mục