Trung Quốc bất ngờ thay đổi chính sách, cho phép sinh 3 con

31/05/2021 16:51 GMT+7
Hôm 31/5, chính phủ Trung Quốc ra thông báo mỗi cặp vợ chồng được sinh tối đa ba con, một sự thay đổi chính sách lớn so với chính sách sinh tối đa hai con trước đây.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa xã, sự thay đổi về chính sách sinh tối đa ba con đã được thông qua trong cuộc họp Bộ Chính trị gần đây do đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì. Nguyên nhân chính là dữ liệu gần đây cho thấy sự sụt giảm đáng kể về tỷ lệ sinh ở quốc gia đông dân nhất thế giới, đe dọa đà tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Vào năm 2016, Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách sinh một con kéo dài hàng thập kỷ - được áp dụng ban đầu để ngăn chặn bùng nổ dân số, thay bằng chính sách sinh tối đa hai con. Tuy nhiên, điều này không giải quyết được tình trạng tỷ lệ sinh thấp do chi phí nuôi dạy trẻ tăng cao ở các thành phố, ngăn cản các cặp vợ chồng trẻ sinh nhiều con. 

Đầu tháng này, cuộc điều tra dân số được tổ chức mỗi thập kỷ một lần của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ tăng dân số đang ở mức chậm nhất kể từ những năm 1950. Tính riêng năm 2020, tỷ lệ sinh trên một phụ nữ Trung Quốc là 1,3 trẻ em, ngang bằng các quốc gia có dân số già hóa như Nhật Bản và Ý.

Trung Quốc bất ngờ thay đổi chính sách, cho phép sinh 3 con - Ảnh 1.

Trung Quốc bất ngờ thay đổi chính sách, cho phép sinh 3 con

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc từng đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi quy mô GDP từ nay đến năm 2035. Điều này ngụ ý Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 15 năm tiếp theo, dù rằng các quan chức Bắc Kinh nhiều lần khẳng định nước này không có ý định soán ngôi Mỹ.

“Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 40 nghìn tỷ NDT trong năm 2019, tức tăng hơn 42% so với năm 2015. Dự kiến, con số này sẽ sớm vượt Mỹ, qua đó đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới” - ông Lian Weiliang, Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan thiết lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của Bắc Kinh phát biểu trước Diễn đàn Cải cách Trung Quốc cuối tháng 11/2020. “Chúng ta cần tận dụng tối đa lợi thế từ thị trường khổng lồ trong nước nhằm xây dựng một hệ thống thị trường chất lượng cao trong 5 năm tiếp theo (2021-2025)”.

Một quan chức Trung Quốc từng giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc vụ viện nhận định thị trường tiêu dùng Trung Quốc có khả năng vượt qua Mỹ trong năm nay, nhưng cảnh báo tiêu dùng nội địa vẫn đang chịu sức ép từ đại dịch Covid-19, mức nợ hộ gia đình cao và khoảng cách thu nhập giàu - nghèo ngày càng lớn. Theo quan chức này, nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh là người lao động thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ, theo đó làm giảm khả năng tiêu dùng. Thêm vào đó, tỷ lệ sinh thấp cũng đe dọa sự bền vững của thị trường tiêu thụ và thị trường lao động trong tương lai, gây bất ổn định cơ cấu lao động với nguy cơ tỷ lệ người già tăng, đồng nghĩa với chi phí an sinh xã hội tăng cao trong khi người trong độ tuổi lao động lại giảm.

Ông Han Yongwen, Phó tổng giám đốc Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc gợi ý chính phủ nên tập trung mở rộng tầng lớp trung lưu trong 5 năm tới, đưa dân số có thu nhập trung bình từ mức 29% dân số hiện nay lên khoảng 40% dân số, tương đương 600 triệu người. “Điều đó sẽ tạo nên động lực lớn với thị trường tiêu dùng Trung Quốc cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế”.

Để nền kinh tế Trung Quốc phát triển bền vững và đảm bảo thị trường tiêu thụ mở rộng trong tương lai, việc tăng tỷ lệ sinh là một mục tiêu quan trọng mà Bắc Kinh cần đạt được.


NTTD
Cùng chuyên mục