Trung Quốc tìm cách khai thác tiềm năng nông nghiệp châu Phi

02/01/2021 09:36 GMT+7
Trung Quốc cho đến nay đã cử hàng trăm chuyên gia nông nghiệp đến châu Phi trong nỗ lực hỗ trợ nông dân địa phương cải thiện năng suất cây trồng và hứa hẹn sẽ tăng mua nông sản trong tương lai.

Wu Peng, quan chức phụ trách các vấn đề châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hồi đầu tuần này rằng Trung Quốc đã cử hàng chục chuyên gia nông nghiệp tới Burundi, chỉ hai tháng sau khi Bắc Kinh hoàn thiện một trung tâm trình chiếu nông nghiệp công nghệ cao ở đây. Đích thân Tổng thống Evariste Ndayishimiye đón tiếp đoàn chuyên gia Trung Quốc.

“Tôi hy vọng mối quan hệ hợp tác nông nghiệp Trung Quốc-Burundi có thể lên một tầm cao mới nhờ nỗ lực của các chuyên gia” - ông Wu Peng nói thêm.

Trung Quốc tìm cách khai thác tiềm năng nông nghiệp châu Phi - Ảnh 1.

Trung Quốc tìm cách khai thác tiềm năng nông nghiệp châu Phi

Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc (CIDCA) kỳ vọng trung tâm trình chiếu nông nghiệp công nghệ cao ở Burundi sẽ giúp cải thiện vấn đề an ninh lương thực và sinh kế cho người dân quốc gia châu Phi này. Trung Quốc sẽ hỗ trợ công nghệ trồng và nhân giống cây trồng thông qua quá trình làm việc của đội ngũ chuyên gia hai nước. Trong tương lai. CIDCA sẽ thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như thu nhập bình quân quốc gia.

Nhóm chuyên gia nông nghiệp có mặt tại Burundi chỉ là một phần trong số hàng trăm chuyên gia đã được Bắc Kinh phân bổ đến hàng chục quốc gia khác trên khắp châu Phi như Zambia, Ethiopia, Tanzania, Burkina Faso, Mozambique...

Cho đến nay, Trung Quốc đã xây dựng được 24 trung tâm trình chiếu nông nghiệp công nghệ cao trên toàn châu Phi nhằm thúc đẩy trình độ lao động nông nghiệp và cải thiện năng suất các loại cây trồng như ngô, lúa; mang lại lợi ích cho ít nhất nửa triệu người dân địa phương.

Lina Benabdallah, chuyên gia chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Wake Forest (Bắc Carolina, Mỹ) cho hay các trung tâm này là cầu nối để chuyên gia Trung Quốc chia sẻ kiến thức chuyên môn nông nghiệp với những đối tác châu Phi. Theo bà Lina, một động lực quan trọng tạo nên sự phồn thịnh của Trung Quốc là khả năng tự cung tự cấp lương thực và những tiến bộ nông nghiệp mà nước này đã đạt được trong thập niên 60-70 của thế kỷ trước. “Châu Phi có tiềm năng nông nghiệp to lớn nhờ diện tích đất canh tác dồi dào và nhiều yếu tố thuận lợi khác. Đây là một cách để đảm bảo an ninh lương thực, điều mà Trung Quốc cho đến nay đã làm rất tốt”.

Mặc dù phần lớn khoản vay 148 tỷ USD mà Trung Quốc dành cho các nước châu Phi trong gần 2 thập kỷ qua (2000-2018) được rót vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, khai thác mỏ, thông tin liên lạc và thủy lợi; nhưng khoảng 2 tỷ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, theo ước tính của Sáng kiến Nghiên cứu Châu Phi - Trung Quốc (Đại học Johns Hopkins).

Một minh chứng cụ thể, tại Bagre, ngôi làng ở phía đông nam Burkina Faso, Trung Quốc đã chi hàng triệu USD cho hệ thống tưới tiêu đất nông nghiệp nhằm thúc đẩy năng suất cây trồng. Theo CIDCA, các chuyên gia Trung Quốc đã phát triển các dự án nước và thủy lợi phù hợp với điều kiện địa phương song song với hỗ trợ đào tạo hơn 200 chuyên gia bản địa.

Chen Zongquan, một trong những chuyên gia được cử đến Burkina Faso, cho biết: “Khu vực này trước đây chủ yếu dựa vào nước mưa để phục vụ nhu cầu tưới tiêu, nhưng giờ đây nó đã có nguồn nước ổn định để đảm bảo cung cấp cho cây trồng tăng sản lượng lúa”.

Tại Mozambique,  với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc trong dự án hợp tác nông nghiệp Trung Quốc-Mozambique, năng suất giống lúa lai sản lượng cao nhất của Trung Quốc trên cánh đồng mẫu rộng 1.600m2 lên tới 11 tấn/ha, gấp hơn 6 lần mức sản lượng bình quân của cả nước. 

Zhou Yuyuan, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Tây Á và Châu Phi, Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho hay Bắc Kinh cũng ban hành nhiều mức thuế ưu đãi với nông sản châu Phi để khuyến khích nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như cà phê, thịt bò và hoa tươi. Chẳng hạn như Tanzania đã ký thỏa thuận thương mại thúc đẩy xuất khẩu đậu nành, bơ trong khi Kenya xuất khẩu trà, cà phê và hoa hồng; Nam Phi xuất khẩu trái cây và cà phê Rwanda…

“Khi nông nghiệp châu Phi phát triển và có sức cạnh tranh, chúng ta có thể kỳ vọng Trung Quốc tăng nhập khẩu nông sản châu Phi để đa dạng hóa cơ cấu nhập khẩu” - ông Zhou Yuyuan nói thêm.

Yun Sun, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Washington), cho biết chương trình hỗ trợ nông nghiệp của Trung Quốc ở châu Phi tập trung vào khía cạnh công nghệ với mục tiêu cải thiện vấn đề an ninh lương thực thông qua tăng năng lực sản xuất. Dù rằng, việc làm thế nào để biến các viện trợ này thành dự án bền vững và khả thi về mặt thương mại vẫn là câu hỏi lớn.


NTTD
Cùng chuyên mục