Trung Quốc và Hàn Quốc đổ hơn 12 tỷ USD vào Việt Nam

27/11/2019 14:14 GMT+7
11 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, Trung Quốc và Hàn Quốc đổ 12,42 tỷ USD vào Việt Nam thông qua các thương vụ mua cổ phần doanh nghiệp và triển khai dự án.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút vốn FDI nhiều nhất trong 11 tháng - Ảnh 1.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 17,62 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Về vốn đăng ký mới, cả nước có 3.478 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 28,2% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 14,68 tỷ USD, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 1.256 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,87 tỷ USD, bằng 79,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng trong 11 tháng năm nay, cả nước có 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực trong 11 tháng năm 2019. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Xếp sau đó là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 3,31 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ,...

Trong 11 tháng năm 2019, đã có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,69 tỷ USD. Trong đó có hai dự án lớn bao gồm: dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội (chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông); dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.

Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,73 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam bao gồm hai dự án lớn với tổng vốn đầu tư trên 400 triệu USD. Cụ thể, Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 420 triệu USD với mục tiêu xây dựng trường đua ngựa; tổ chức hoạt động đua ngựa; tổ chức đặt cược đua ngựa; thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa; xây dựng, kinh doanh khách sạn và biệt thự 3 sao; xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dân dụng khác tại Sóc Sơn, Hà Nội. Ngoài ra, dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD.

Singapore là quốc gia đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 4,47 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản,... Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gấp 2 lần, từ Hồng Kông tăng 3,9 lần so với cùng kỳ 2018.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 6,82 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 5,48 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư. Xếp sau là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh,...

Ở chiều ngược lại, tính chúng trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 458,82 triệu USD. Trong đó có 148 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 353,83 triệu USD. Có 29 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm gần 105 triệu USD.

Trong đó, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 118,2 triệu USD, chiếm 25,8% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 65,57 triệu USD và chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 60 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.

Theo địa bàn đầu tư, Việt Nam đã đầu tư sang 31 quốc gia, vùng lãnh thổ trong 11 tháng năm 2019. Trong đó, Australia là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với 141,3 triệu USD, chiếm 30,8% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ xếp thứ hai với 26 dự án, tổng vốn đầu tư là 93,4 triệu USD, chiếm 20,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Tây Ban Nha, Campuchia, Singapore, Canada,...

Thu Trà
Cùng chuyên mục