Trước thềm cựu Chủ tịch bị khởi tố, VEA báo lãi 3.400 tỷ
Báo cáo tài chính quý II/2019 của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM (Mã CK: VEA) ghi nhận doanh thu thuần 1.116 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế quý này của VEAM vẫn đạt mức tăng trưởng 8% lên 2.147 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ phần lãi trong công ty liên doanh liên kết với 2.109 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, VEAM là đơn vị nắm giữ 30% cổ phần Honda, 20% cổ phần Toyota, 25% cổ phần Ford và đây cũng là nguồn lợi nhuận chủ yếu của công ty trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh lõi của VEAM mang về khoản lãi gộp 101,3 tỷ đồng trong quý II/2019, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ đều giảm, trong khi doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh mang về 193 tỷ đồng (chủ yếu lãi tiền gửi ngân hàng), tăng trưởng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VEAM ghi nhận tăng trưởng trái chiều khi doanh thu giảm 33% còn 2.240 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 13% so với cùng kỳ, lên 3.418 tỷ đồng.
Trong đó, lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết lên tới 3.318 tỷ đồng, tăng 12%. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 6 tháng đầu năm VEAM đạt 2.558,7 đồng.
Doanh thu của VEAM giảm chủ yếu là do doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm giảm từ 3.161 tỷ xuống 2.107 tỷ trong 6 tháng so với cùng kỳ. Trong kỳ này, VEAM không phát sinh doanh thu thành phẩm xuất khẩu trong khi cùng kỳ năm 2018 ghi nhận gần 54 triệu động từ khoản mục này.
Theo giải trình của VEAM, việc lợi nhuận sau thuế 6 tháng tăng 13% là do doanh thu hoạt động tài chính tăng 153% (chủ yều tiền lãi từ các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn) và lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng 12% so với cùng kỳ.
Tính tới cuối quý II/2019, tổng tài sản VEAM đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương của VEAM lên tới 12.377 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản công ty. Việc nắm giữ lượng tiền và tương đương lớn (bao gồm hơn 10.000 tỷ đồng gửi ngân hàng) đã giúp VEAM thu về hàng trăm tỷ doanh thu tài chính mỗi quý.
Các khoản phải thu trong kỳ cũng tăng tưởng hơn gấp đôi so với cùng kỳ lên 8.510 tỷ đồng. Chủ yếu là phải thu ngắn hạn khác với hơn 7.554 tỷ. Tại ngày 30/6, khoản phải thu từ công ty Honda Việt Nam hơn 5.824 tỷ đồng, từ Toyota Việt Nam hơn 840 tỷ đồng và Ford Việt Nam hơn 286 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, chiếm phần lớn trong số này là vốn góp của chủ sở hữu hơn 13.288 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 14.635 tỷ đồng.
Được biết, công ty mẹ VEAM đặt mục tiêu lợi nhuận “khủng” 6.402 tỷ đồng. Mức chia cổ tức năm nay dự kiến trên 39%, tức mỗi cổ phiếu nhận 3.900 đồng.
Ông Trần Ngọc Hà và hàng loạt sai phạm gây lãng phí lớn?
Trong một diễn biến khác, ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cùng 3 thuộc cấp bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Các bị can gồm Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch hội đồng quản trị, cựu Tổng giám đốc VEAM), Lâm Chí Quang (cựu Tổng giám đốc VEAM), Vũ Từ Công (Phó tổng giám đốc VEAM) và Nguyễn Mạnh Chung (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn máy kéo nông nghiệp).
Ông Trần Ngọc Hà tại cơ quan điều tra.
Ông Trần Ngọc Hà là nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VEAM giai đoạn 2015 - 2018. Ông Trần Ngọc Hà là nhân vật chính được nhắc trách nhiệm nhiều nhất trong bản kết luận vừa được Bộ Công thương thông báo hồi tháng 5, với nhiều vụ việc sai phạm mà cơ quan thanh tra đã chuyển và đề nghị chuyển sang công an.
Sau 3 năm giữ cương vị Tổng giám đốc VEAM, ông Trần Ngọc Hà bị HĐQT VEAM bãi nhiệm vào cuối tháng 3/2019. Đầu tháng 4, VEAM có báo cáo gửi Bộ Công Thương về việc bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM đối với ông Trần Ngọc Hà.
Theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, trong quá trình điều hành VEAM, ông Trần Ngọc Hà có nhiều sai phạm như mua quá nhiều linh kiện ngoài kế hoạch, bổ nhiệm cán bộ sai quy định... Trên cơ sở sai phạm được kết luận, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Ngày 28/6, HĐQT VEAM bãi nhiệm chức danh Thành viên HĐQT với ông Trần Ngọc Hà do trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, vai trò là Tổng giám đốc, ông Trần Ngọc Hà đã vi phạm một số quy định về quản lý tài chính và điều lệ của công ty.
Liên quan đến việc kinh doanh, nhập khẩu 1.500 bộ linh kiện ôtô Changan, ông Trần Ngọc Hà đã ký hợp đồng cầm cố giấy tờ giá do Sacombank phát hành để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto với số tiền hơn 136 tỷ đồng khi chưa được sự phê chuẩn của Hội đồng quản trị VEAM.
Điển hình nhất là năm 2017, Nhà máy ô tô VEAM (VM) ký 4 hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện của Công ty CP Thành Công (TCG), với tổng số tiền 1.634,99 tỷ đồng để lắp 3.000 ô tô Hyundai khi không có kế hoạch sản xuất kinh doanh, không có phương án kinh doanh số ôtô này.
Ngoài ra, còn không thực hiện việc tham khảo giá và đàm phán giá theo quy định. Trong báo cáo mới đây gửi Bộ Công thương, VEAM cho hay, điều này “dẫn đến tồn kho cuối năm 2017 cao gấp hơn 2 lần so với kế hoạch tồn kho được giao”.
Ngoài ra, HĐQT của VEAM còn chỉ ra những sai phạm của ông Trần Ngọc Hà liên quan đến việc kinh doanh, nhập khẩu 2.010 bộ linh kiện ôtô Hyundai 72 trong các năm 2016 và 2017.
Đến tháng 12/2018, Cục Hải quan TP.Hà Nội kiểm tra sau thông quan đối với hoạt động nhập khẩu 2.010 bộ linh kiện HD72 thì đến tháng 3 và 4.2019 đã liên tiếp ra các văn bản truy nộp và phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 262,4 tỷ đồng.