TT-Huế: Nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm lao động

29/05/2023 12:24 GMT+7
Nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế như dệt may, xi măng, dăm gỗ, sản xuất điện hoạt động cầm chừng do khó khăn về thị trường, phải cắt giảm lao động.

Ngày 29/5, theo tin từ Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, tốc độ tăng trưởng GRDP quý I/2023 của tỉnh ước đạt 6,61%, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước 3,32%, đứng thứ 2/5 tỉnh/thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đứng thứ 8/14 tỉnh/thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung. Dự báo GRDP quý II/2023 của tỉnh tiếp tục có tốc độ tăng trưởng khá, ước đạt 7,5 - 8,5%.

TT-Huế: Nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm lao động  - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương thăm dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài, thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh tháng 5/2023 tăng so với tháng trước, nhưng giảm so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đều giảm so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh giảm tập trung chủ yếu ở nhóm hàng may mặc, gỗ và sản phẩm gỗ. Sản phẩm nhập khẩu giảm chủ yếu tập trung nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may do nguồn đơn hàng xuất khẩu của các công ty may mặc sụt giảm mạnh.

Hiện nay nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như dệt may, xi măng, dăm gỗ, sản xuất điện đều giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do bị thiếu đơn hàng nên phải cắt giảm lao động và hoạt động cầm chừng.

Trong đó ngành xi măng việc tiêu thụ hàng hóa tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, bên cạnh đó do lãi suất vay cao nên các công trình xây dựng nhà ở, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh giảm mạnh. Đặc biệt, các đối tác tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Trung Quốc...đang tạm dừng nhập khẩu hoặc hạ giá sản phẩm, các doanh nghiệp tồn kho sản phẩm rất lớn nên phải cắt giảm sản xuất chờ tiêu thụ sản phẩm.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp đảm bảo ổn định sản xuất, đặc biệt là các cơ sở sản xuất may mặc khó khăn liên quan đến nguồn đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm; các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như xi măng, dăm gỗ…

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, nhất là tại các khu công nghiệp để có phương án hỗ trợ trong trường hợp cần thiết... 


Trần Hòe
Cùng chuyên mục