Tư nhân đầu tư xây dựng sân bay chỉ tính 1-2 năm thu hồi vốn là “không làm được”

05/11/2022 06:42 GMT+7
Chiều ngày 4/11, tại buổi tọa đàm huy động nguồn lực xã hội đầu tư Cảng hàng không do Bộ GTVT tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo khẳng định: "Đầu tư cảng hàng không, không phải chỉ là 1-2 năm là thu hồi vốn được, lãi ngay được".

Theo ông Hảo, mặc dù đầu tư sân bay chưa thể có lãi ngay được, nhưng rất vui mừng là các nhà đầu tư đã thay đổi và quan tâm hơn đến cảng hàng không. Dù thời gian hòa vốn có thể rất dài nhưng vẫn dám mạnh dạn đầu tư. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Thực tế, việc đầu tư cảng hàng không là vấn đề nhạy cảm, nhiều thách thức, liên quan tới rất nhiều tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, đặc biệt tiêu chuẩn của ICAO.

Định kỳ 2 năm/1 lần, chúng tôi sẽ phải chịu sự kiểm tra thanh sát toàn bộ quá trình an ninh, an toàn, khai thác, kết cấu, tiêu chuẩn của sân bay từ ICAO.

Tư nhân đầu tư xây dựng sân bay, chưa thể có lãi ngay được - Ảnh 1.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo khẳng định: "Đầu tư cảng hàng không, không phải chỉ là 1-2 năm là thu hồi vốn được, lãi ngay được". Ảnh: CTV

Ông cho biết: "Tính đến nay, chúng tôi đã nhận được khoảng 10 kiến nghị, đề xuất của UBND các tỉnh về xã hội hóa cảng hàng không, sân bay".

Với sự quan tâm lớn từ Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc thành lập tổ nghiên cứu, dưới sự sự chỉ đạo trực tiếp từ Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, "chúng tôi đã và đang tìm hiểu, làm việc trực tiếp với các địa phương để làm việc đánh giá, chuẩn bị báo cáo lên Thủ tướng về đề xuất xã hội hóa cảng hàng không, sân bay", ông Hảo cho hay.

Đánh giá về quy hoạch Cảng hàng không, sân bay, ông Hảo cho rằng: "Quy hoạch cảng hàng không, sân bay không đơn thuần như quy hoạch dự án bình thường hay khu kinh tế".

Để quy hoạch cảng hàng không, sân bay có 6 tiêu chí lớn với gần 30 tiêu chí. Để đáp ứng 30 tiêu chí này, phải cân nhắc rất kỹ càng, kỹ lưỡng mới dám đặt nền móng cho cảng hàng không, sân bay. Không chỉ có đất đã làm được sân bay.

Còn phải nghiên cứu về phương thức hạ cánh, cất cánh thế nào.Thậm chí phải nghiên cứu hướng gió, khí hậu, thời tiết trong 5 - 10 năm, có khi là vài chục năm để có một đường bay ổn định. Hàng không tiêu chí an toàn là trên hết, không phải là lợi nhuận. Hàng không chỉ là điểm kích hoạt động kinh tế - xã hội vùng miền phát triển.

Tư nhân đầu tư xây dựng sân bay, chưa thể có lãi ngay được - Ảnh 2.

Hàng không Việt Nam đang tăng trưởng "nóng". Ảnh: TA

Trong khi đó, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng: "Nhiều ý kiến quy hoạch các tỉnh, bản thân tư vấn xây dựng quy hoạch các tỉnh không hiểu bản chất. Nhiều tư vấn nghĩ sân bay là cảng hàng không".

"Cảng hàng không là cảng để dùng công cộng. Sân bay phục vụ vùng kinh tế, phạm vi hẹp như tỉnh, vùng của tỉnh, không mang tính công cộng mà mang tính chuyên dùng. Theo Luật, cảng hàng không do Bộ GTVT quản lý, khai thác. Sân bay do Bộ Quốc phòng quản lý", ông Mười cho hay.

Theo ông Mười, các tỉnh đang đề xuất toàn bộ là sân bay. Nếu nâng cấp thành cảng hàng không phải tuân thủ 6 tiêu chí.

Trong đó, quan trọng nhất là tiêu chí số 1 (đảm bảo đủ nhu cầu vận tải hàng hoá) và tiêu chí 2 (đảm bảo phủ khoảng cách giữa đô thị và trung tâm, vùng hấp dẫn thường khoảng 100km).

Khi xây dựng quy hoạch hàng không thời gian qua, chúng tôi tuân thủ 6 tiêu chí này. ICAO cũng đưa ra một số khuyến cáo như thế. Qua tiêu chí này, chúng tôi đưa ra đến 2030 có 28 cảng hàng không, đáp ứng đủ 6 tiêu chí đấy.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi thành lập tổ 121, rà soát lại một số sân bay lưỡng dụng, trước đây khai thác cùng quân sự, đưa ra quy trình để cập nhật bổ sung thêm.

Với mục tiêu sân bay hiện nay mà các địa phương đang đề xuất, chúng ta cứ căn cứ vào 6 tiêu chí, nếu đáp ứng được và khi mật độ bay đảm bảo đủ sẽ còn rà soát và bổ sung sau 2030 sẽ bổ sung.

Tư nhân đầu tư xây dựng sân bay, chưa thể có lãi ngay được - Ảnh 3.

Ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc dự án và phát triển kinh doanh Vietjet Air. Ảnh: CTV

Cũng theo ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc Dự án và Phát triển kinh doanh Vietjet Air: "Chúng tôi đang có nhiều dự án để đề xuất với Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và các địa phương.

"Vietjet là một trong những hãng hàng không lớn nhất cả nước, đội tàu bay có hơn 80 tàu bay và bay chặng ngắn lẫn chặng dài. Nhu cầu về tăng trưởng hàng không rất lớn", ông Tùng cho hay.

Nói về việc đầu tư sân bay, ông Tùng cho rằng: "Chúng tôi chỉ xin đầu tư những hạng mục thiết yếu, chỉ cần 1 hangar để sửa chữa tàu bay tại Cảng hàng không Cam Ranh nhưng gần 10 năm nay không làm được vì địa phương không có thẩm quyền".

Theo ông Tùng, việc giao cho các địa phương là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện là một nét mới và rất tốt vì địa phương là nơi hơn ai hết thấu hiểu sự cần thiết hay không của việc đầu tư cảng hàng không, dù đầu tư mới hay nâng cấp hạ tầng.

"Chúng tôi rất cần lộ trình, còn việc tính toán của các nhà đầu tư cũng phải rất kỹ lưỡng", ông Tùng nêu.

Ông Tùng cho hay, một nhà đầu tư như của sân bay Vân Đồn, chỉ tính 46 năm thu hồi vốn là không làm được, nhưng Cảng hàng không mang lại rất nhiều bài toán phát triển kinh tế cho địa phương, chứ ta không chỉ nhìn một bài toán kinh tế của riêng cảng hàng không. Nhà đầu tư mong muốn những tiến trình sẽ triển khai cụ thể hóa thật nhanh, gấp rút để chúng ta cùng có cơ hội đóng góp cho sự phát triển của đất nước.


Thế Anh
Cùng chuyên mục