Tư nhân sợ "vỡ nợ" khi đầu tư dự án giao thông: Cách nào để "khơi thông"?
Nhà đầu tư lo ngại rủi ro
Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đến nay đã huy động được khoảng 201.341 tỷ đồng để đầu tư 67 dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP), đã hoàn thành đưa vào khai thác 63 dự án với tổng mức đầu tư 185.293 tỷ đồng, đang triển khai đầu tư 4 dự án với tổng mức đầu tư 16.048 tỷ đồng.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, vốn ODA ngày càng thu hẹp, để phát triển hạ tầng giao thông cần có sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh đã phát sinh, tồn tại những bất cập, ở một số dự án đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT.
Một số nhà đầu tư dự án BOT chia sẻ, khi phương án tài chính của các dự án đã bị vỡ, nhà đầu tư luôn trong tình trạng bị ngân hàng đưa vào diện nợ xấu. Nguyên nhân dẫn tới vỡ phương án tài chính là do doanh thu thu phí không đạt, chỉ đủ để trả lãi ngân hàng và một ít tiền gốc vay.
Thậm chí, có những dự án BOT, theo hợp đồng đã ký kết với Bộ GTVT, đáng ra đến nay nhà đầu tư đã được tăng giá vé 2 lần nhưng không được tăng, thậm chí còn giảm cho nhiều phương tiện trong bán kính 10 km. Việc này, khiến nhà đầu tư không có tiền để trả nợ gốc làm cho phương án tài chính ban đầu bị vỡ. Trong khi đó, Ngân hàng sẽ xếp hạng nhà đầu tư vào diện nợ xấu, lúc đó các hoạt động kinh doanh khác của nhà đầu tư và các đối tác liên quan cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, tại các dự án BOT đã đến thời hạn trung tu và sắp tới đại tu, ngân hàng không tiếp tục cho vay thực hiện công tác trung tu và đại tu, điều đó dễ dẫn đến đẩy dự án BOT đến bờ vực phá sản. Điển hình như, dự án BOT quốc lộ Bạc Liêu mỗi ngày thu được 200 triệu đồng, BOT Sóc Trăng mỗi ngày thu được 250 triệu đồng, số tiền này chưa đủ trả lãi ngân hàng.
Cũng chính từ rủi ro này, mà 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam 2 đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP phải hủy thầu do không có nhà đầu tư tư nhân nào tham gia. Bộ GTVT đã phải xây dựng phương án thay thế để tiến hành thực hiện 2 dự án này có thể hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra vào cuối năm 2021.
Thừa nhận việc huy động vốn cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo phương thức PPP gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, các tổ chức tín dụng chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn tại một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu khó khăn: "Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, để bảo đảm ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn. Ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam".
Tư nhân chịu thiệt từ rủi ro
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân việt, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật phân tích: "Hiện nay, rủi ro từ các dự án BOT đang đẩy hết cho các nhà đầu tư khiến cho các dự án BOT mới khó tìm được nhà đầu tư do huy động vốn gặp nhiều khó khăn. Trong hợp đồng ký kết dự án, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là 1 chủ thể và doanh nghiệp tư nhân cũng là 1 chủ thể có pháp nhân như nhau, nhưng rủi ro lại đẩy cho 1 mình doanh nghiệp là không công bằng".
"Vì vậy, nhà nước cần phải chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư thì mới có thể huy động được vốn tư nhân cho các dự án BOT tương lại. Đặc biệt, các dự án BOT, BT giao thông thường kéo dài, thậm chí 10 - 15 năm, khiến việc hoàn vốn kéo dài, đồng nghĩa với việc tiềm ẩn nhiều rủi ro do biến động về dòng tiền, chính sách pháp luật. Trong khi đó, nhiều năm qua, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước vẫn đang bế tắc. Chính vì vậy, các ngân hàng buộc phải ngày càng thận trọng với một số dự án giao thông", Luật Sư Bình cho biết.
Để tháo gỡ những khó khăn, tạo ra cơ chế thu hút nguồn vốn tư nhân, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Luật này quy định, khi doanh thu có sự thay đổi (tăng hoặc giảm) được cơ quan nhà nước xác định và nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà đầu tư như: thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan... thì Nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro này. Đây là chính sách đổi mới, thể hiện sự công bằng trong quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư tại các dự án được đầu tư theo phương thức PPP, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế, góp phần đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư.
ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hợp đồng PPP thực chất là hợp đồng trách nhiệm Nhà nước với các nhà đầu tư tư nhân. Trong hợp đồng đã quy định rất rõ ràng, nhà đầu tư có trách nhiệm gì, góp vốn bao nhiêu %, tiến độ giải ngân ra sao, Nhà nước có trách nhiệm thế nào. Khi đã có hợp đồng thì phải thực hiện theo hợp đồng. Không thể hợp đồng đã ký rồi mà không thực thi, như thế thì ai còn dám bỏ vốn đầu tư?.
Trong quá trình đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, thực ra vòng đời của một dự án rất dài, những công trình đường sá có thể vài chục năm. Nếu nhà nước bỏ vốn đầu tư thì có thể khó khăn về nguồn vốn. Thứ hai, nếu nhà nước bỏ vốn đầu tư thì những rủi ro sẽ thuộc về nhà nước.
"Tư nhân đầu tư thì rủi ro vẫn xảy ra, có thể do Nhà nước điều chỉnh chính sách pháp luật, thay đổi quy hoạch. Vậy trong trường hợp đó thì phải công bằng, Nhà nước phải chia sẻ rủi ro với tư nhân, tạo cơ chế thuận lợi để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư" - ông Sinh nhấn mạnh.
Theo ông Sinh hay, có rất nhiều cách để chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư tư nhân, trong đó, có thể là chia sẻ rủi ro về doanh thu. Ví dụ: Khi làm một con đường, nhà đầu tư sẽ phải đặt ra lưu lượng xe nhất định và mức giá vé nhất định để tính được doanh thu nhất định. Trong trường hợp rủi ro về chính sách, về quy hoạch, thì doanh số đạt được dưới 100%, dự kiến lùi đến 75% thì nhà đầu tư chấp nhận rủi ro. Nếu dưới 75% thì nhà nước sẽ chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Trong trường hợp doanh thu cao hơn doanh thu đưa ra trong phương án tài chính, đạt đến 125% thì nhà đầu tư được hưởng. Còn nếu vượt 125% thì nhà đầu tư phải chia lại phần trăm vượt đó cho nhà nước.