Tỷ giá biến động mạnh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chú trọng vấn đề phòng vệ rủi ro

17/09/2021 18:48 GMT+7
Theo nhận định của HSBC, tỷ giá USD/ VNĐ dự báo sẽ giảm từ nay đến cuối năm trước khi đảo chiều tăng về mức 23.000 đồng vào năm 2022.

Dự báo tỷ giá giảm từ nay đến cuối năm

Trong một báo cáo công bố gần đây, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán tại Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định tỷ giá USD/VNĐ sẽ giảm từ mức 22.750 đồng vào cuối quý III xuống 22.525 đồng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, tỷ giá USD/VNĐ sẽ đảo chiều về mức 23.000 đồng trong bối cảnh thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào suy yếu.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, sau kỳ điều chỉnh hạ giá mua USD của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xuống mức 22.750 đồng có hiệu lực từ ngày 11/8, tỷ giá USD/VND tiếp tục vận động theo xu hướng giảm cho đến nay. Tại thời điểm đầu tháng 9, tỷ giá USD hiện giao dịch quanh mốc 1 USD đổi 22.760-22.770 đồng, mức thấp nhất trong vòng vài năm gần đây. 

HSBC: tỷ giá tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm - Ảnh 1.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán tại Ngân hàng HSBC Việt Nam

Tính riêng từ đầu năm 2021, VNĐ đã tăng giá khoảng 1,47% so với đồng bạc xanh, đồng thời là một trong số ít các loại tiền tệ trong khu vực tăng giá so với đồng USD trong cùng kỳ. Ông Ngô Đăng Khoa cho rằng xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi chính sách điều hành tỷ giá của NHNN với cam kết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế, đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này phù hợp với cam kết của NHNN trong cuộc họp với Bộ Tài chính Mỹ hồi cuối tháng 7 liên quan đến vấn đề thao túng tiền tệ.

Khối nghiên cứu toàn cầu của HSBC kỳ vọng NHNN có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách điều hành tỷ giá như trong thời gian qua. 

Cụ thể, các chuyên gia HSBC dự báo thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam thu hẹp xuống còn 0,4 tỷ USD trong quý I từ mức trung bình hơn 3 tỷ USD hàng quý trong giai đoạn 2019-2020. Nhiều khả năng, tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt nhẹ trong quý II.  Thặng dư thương mại, vốn đã giảm xuống 5,9 tỷ USD trong quý I từ mức trung bình 6,5 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020, cũng bộc lộ thiếu hụt của tài khoản vãng lai khi nguồn thu từ du khách quốc tế lao dốc mạnh mẽ. Thâm hụt dịch vụ và dòng thu nhập chính lên tới 8,2 tỷ USD, trong khi dòng tiền liên quan đến kiều hối đạt 2,6 tỷ USD.

Bên cạnh đó, theo nhóm nghiên cứu HSBC do ông Ngô Đăng Khoa dẫn đầu, suy giảm tài khoản vãng lai có thể tăng tốc trong tương lai khi cán cân thương mại thâm hụt 1,3 tỷ USD mỗi tháng kể từ tháng 4. Trong khi đó, thâm hụt dịch vụ tăng lên là hậu quả trực tiếp của việc mất nguồn thu từ du lịch. Nghiên cứu chỉ ra rằng trước khi đại dịch bùng nổ, nguồn thu ròng từ hoạt động du lịch (5-6 tỷ USD) là nguồn quan trọng bù đắp cho thâm hụt trong lĩnh vực giao thông vận tải (4-5 tỷ USD) và thâm hụt dịch vụ khác (3-4 tỷ USD).

Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ trước đến nay là nguồn chính của dòng vốn ngoại hối (tương đương 5,9% GDP). Tuy nhiên, dữ liệu hàng tháng chỉ ra dòng FDI đang chậm lại trong những tháng qua, từ mức bình quân 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 4/2020-12/2020 xuống còn bình quân 1,6 tỷ USD trong giai đoạn 4/2021-7/2021. Đối với dòng vốn danh mục đầu tư, với việc hạ dự báo tăng trưởng, khối ngoại đã bán ròng 1,5 tỷ USD trong giai đoạn quý I/2020 - quý I/2021, với rủi ro là việc rút các dòng vốn danh mục đầu tư này có thể gia tăng trong tương lai.

Tỷ giá USD/VNĐ sẽ giảm từ mức 22.750 đồng vào cuối quý III xuống 22.525 đồng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, tỷ giá USD/VNĐ sẽ đảo chiều về mức 23.000 đồng trong bối cảnh thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào suy yếu.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam

Doanh nghiệp cần phòng vệ rủi ro

Trong bối cảnh biến động như hiện tại, ông Ngô Đăng Khoa cảnh báo các doanh nghiệp cần chủ động trong vấn đề xây dựng các kịch bản đa dạng với từng tình huống cụ thể. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chú trọng vấn đề phòng vệ rủi ro; trong đó nổi bật là rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt.

NTTD
Cùng chuyên mục