"Tỷ lệ thất nghiệp trong quý III vượt xa con số 2% như thường thấy"
1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 12/10, từ tháng 7 đến ngày 15/3, khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch. Trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam.
Lao động rời thành phố lớn, trung tâm công nghiệp về các vùng quê diễn ra liên tục từ tháng 7 đến nay. Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách.
Thống kê với 930.000 người từ 15 tuổi trở lên đã trở về địa phương, khoảng 34% đang có việc làm; 38% mất việc, không tìm được việc làm do cách ly, giãn cách và số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại dịch bệnh.
Bức tranh thị trường lao động, việc làm, thu nhập quý III thể hiện nhiều đứt gãy, biến động do ảnh hưởng của đợt dịch và giãn cách xã hội kéo dài.
Lao động nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 673.000 người, biến đổi trái ngược so với xu hướng trước đây. Nguyên nhân chủ yếu do người mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành này. Số lao động các ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây, lần lượt hơn 952.000 người và 2,3 triệu người so với quý trước.
Dịch COVID-19 diễn biến kéo dài cùng với việc thực hiện các Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 khiến hàng nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, một số hoạt động cầm chừng chỉ với 30-50% số lao động do phải đảm bảo yêu cầu giãn cách. Bên cạnh đó, nguồn cung lao động cho thị trường cũng giảm do lao động quay trở về quê vì lo sợ dịch bệnh hoặc phải cách ly dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở nhiều doanh nghiệp.
Trong số 22.764 doanh nghiệp có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ, với 30,6%. Trong đó, những tỉnh thiếu hụt cao là Bình Dương (36,9%); Bình Phước (34,4%) và TP HCM là 31,8%.
Một số ngành báo cáo có sự thiếu hụt nhiều lao động nhất là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (55,6%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (51,7%), sản xuất trang phục (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), ngành dệt (39,5%).
Tỷ lệ thất nghiệp trong quý III vượt xa con số 2% như thường thấy
Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số - Lao động, trong quý III và 9 tháng năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm quý III/2021 tồi tệ hơn.
Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
"Dịch Covid-19 đã khiến trên thị trường lao động xảy ra hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập, hàng triệu lao động mất việc làm", ông Nam cho hay. Cũng theo ông Nam, số người thiếu việc làm trong đội tuổi quý III/2021 là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
"Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp trong quý III/2021 vượt xa con số 2% như thường thấy", ông Nam cho biết.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,9 triệu đồng, gần như tương đương so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 34 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Do diễn biến phức tạp của COVID-19, dòng lao động từ các tỉnh phía Nam về quê đã diễn ra từ đầu tháng 7 và ồ ạt hơn vào đầu tháng 10. Thống kê sơ bộ, Nghệ An khoảng 87.000 người, Hà Tĩnh khoảng 16.000, Thừa Thiên Huế 40.000, Quảng Nam hơn 6.500 người. Các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai,... đón hàng nghìn lao động trở về từ ngày 5/10 đến nay.