Ước lãi "đậm" năm 2019: Những ngân hàng nào tiên phong?

19/12/2019 14:17 GMT+7
Sacombank là nhà băng đầu tiên đưa ra con số lợi nhuận dự kiến cho cả năm 2019 với gần 3.200 tỷ đồng - đánh dấu sự trở lạ tương đương thời kỳ hoạt động tốt nhất là những năm 2012 – 2013. Trong khi VIB cũng dự báo lãi kỷ lục tới 4.000 tỷ đồng.

Thông tin về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) năm 2019, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB tiết lộ, VIB đã mua lại nợ xấu bán cho VAMC từ năm 2017 và trích lập dự phòng đầy đủ, là 1 trong những ngân hàng sạch nợ sớm nhất tại VAMC. VIB đồng thời là 1 trong 2 ngân hàng đầu tiên, cùng với Vietcombank, được NHNN chấp thuận cho áp dụng Basel II sớm hơn 1 năm so với quy định.

Nhờ quản trị rủi ro tốt, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm nhanh từ 2,2% năm 2018 xuống còn 1,78% hiện nay. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 5,6 lần so với năm 2016, hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%.

Như vậy, VIB là ngân hàng thứ 2 thông báo về lợi nhuận ước tính năm 2019. Với 4.000 tỷ đồng đạt được, năm 2019 cũng là năm lợi nhuận của VIB đạt cao kỷ lục, tăng gần gấp rưỡi so với thực hiện năm 2018.

Điểm danh những ngân hàng ước lãi "đậm" năm 2019 - Ảnh 1.

Lãi đậm, VIB cũng là nhà băng đã hoàn thành ba trụ cột của Basel II và là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II, trước cả các tên tuổi lớn như Vietcombank.

Theo giới thiệu của ngân hàng này, trụ cột 1 và 3 của Basel II được VIB hoàn thành vào tháng 10/2018 - thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt cho áp dụng từ 01/01/2019 tức trước hạn 1 năm. Trụ cột thứ 2 hoàn thành từ tháng 12/2019, cũng trước 1 năm.

Nói về quá trình chinh phục 3 trụ cột của Basel II, ông Hà Hoàng Dũng - Giám đốc Quản trị rủi ro của VIB cho biết, từ năm 2018 VIB đã triển khai thành công trụ cột 1 và 3 của Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, đảm bảo hệ số an toàn vốn được tính tự động hoá theo quy định của Thông tư 41/2016 với mức CAR luôn đạt trên 9%. Ngân hàng đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng thông tin, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, cơ sở dữ liệu, bộ máy nhân sự và kế hoạch vốn nhằm đảm bảo ngân hàng quản trị và tính toán hệ số an toàn vốn theo đúng quy định. Ngày 28/11/2018, VIB và Vietcombank là 2 ngân hàng đầu tiên được NHNN trao quyết định chấp thuận cho áp dụng Thông tư 41 sớm hơn 1 năm.

Năm 2019, VIB tiếp tục triển khai nội dung quan trọng của trụ cột 2 Basel II, đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP). Để triển khai ICAAP, VIB đã phối hợp với công ty tư vấn PwC để học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận phương pháp tính toán ICCAP đã triển khai tại các ngân hàng có quy mô trương đương ở Đông Nam Á, từ đó xây dựng quy trình và phương pháp đánh giá nội bộ về mức độ vốn phù hợp với ngân hàng.

Tại thời điểm 30/9/2019, VIB đã hoàn thiện toàn bộ quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đầy đủ vốn và đảm bảo điều kiện thuân thủ trụ cột 2 từ 01/01/2020 - sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của NHNN tại Thông tư số 13/2018.

Trước VIB, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) của ông Dương Công Minh cũng vừa cho biết, kết thúc năm 2019, các chỉ tiêu hoạt động chính của Sacombank đều vượt kế hoạch.

Cụ thể, lợi nhuận 2019 dự kiến đạt 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết với đại hội đồng cổ đông, và cao hơn gần 1.000 tỷ so với thực hiện trong năm 2018.

Điểm danh những ngân hàng ước lãi "đậm" năm 2019 - Ảnh 2.

Tổng tài sản của ngân hàng đến cuối năm 2019 đạt 457 ngàn tỷ đồng, huy động vốn đạt 413 ngàn tỷ đồng, cho vay đạt hơn 296 ngàn tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống dưới 2%.

Với gần 3.200 tỷ đồng của năm nay Sacombank cũng đánh dấu sự trở lạ tương đương thời kỳ hoạt động tốt nhất là những năm 2012 - 2013, trước khi tiến hành nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam. Còn nợ xấu giảm mạnh về dưới 2% cũng là nhanh hơn nhiều so với kế hoạch tái cơ cấu đã được nhà băng này đề ra ở Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 thực hiện từ cuối năm 2017.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục