Vẫn nóng chuyện cổ tức

17/05/2019 12:53 GMT+7
Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay trở nên “nóng” khi các cổ đông chất vấn việc không chia cổ tức. Dù bức xúc nhưng các cổ đông nhỏ, lẻ chỉ còn cách chấp nhận "không cổ tức". Tuần 13-17/05 có 64 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt và 3 doanh nghiệp chốt quyền bằng cổ phiếu.

Lời ngàn tỉ vẫn không chia

“Điệp khúc” không chia cổ tức của nhiều ngân hàng thương mại diễn ra thường xuyên qua nhiều năm. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, nhiều cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) lên tiếng chất vấn gay gắt và liên tục về vấn đề không chia cổ tức năm 2018 dù rằng nhà băng này năm vừa qua có lãi sau thuế lên 1.700 tỉ đồng, tăng 51,5% so với năm trước. Dự kiến năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Sacombank là 2.650 tỉ đồng.

Tương tự, dù kỳ đại hội đồng cổ đông vừa qua của Eximbank bất thành nhưng trong tài liệu công bố, sau khi trích lập các quỹ thì lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng đến hết năm 2018 còn hơn 704 tỉ đồng. Hội đồng quản trị Eximbank cũng trình cổ đông việc không chia cổ tức năm 2018 với lý do thực hiện theo quy định tại Thông tư 08/2016: “Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán”. Cụ thể, Eximbank được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ ngày phát hành đối với các trái phiếu đặc biệt phát phát hành từ năm 2015 trở về trước. Đến cuối năm 2018, các trái phiếu chưa được thanh toán hết nên Eximbank không chia cổ tức.

Một số ngân hàng chỉ chia bằng cổ phiếu. Chẳng hạn Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%; HDBank chia cổ tức và cổ phiếu thưởng 30%; SHB chia cổ tức năm 2017 và 2018 tỷ lệ 21%; VietinBank cũng đang xin cơ quan chức năng cho phép chia cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03%… Điều này cũng khiến nhiều cổ đông không được vui.

Cổ đông thua lỗ

Không chỉ ngân hàng, một số doanh nghiệp giữ lại toàn bộ lợi nhuận, không chia cổ tức. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2019 vừa qua, nhiều cổ đông nhỏ lẻ của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) cho biết rất buồn khi Hội đồng quản trị công bố tờ trình không chia cổ tức. Trên thực tế, sau gần 10 năm đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán, Masan chỉ mới một lần chia cổ tức vào cuối năm 2016 (mức chia cho cả 2 năm 2015 - 2016) với tỷ lệ 30% bằng tiền mặt cùng với đợt phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%.

Việc không nhận được cổ tức đồng nghĩa các nhà đầu tư chỉ trông chờ vào việc giá cổ phiếu trên sàn đi lên để có lợi nhuận. Tuy nhiên, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng hầu như chỉ đi ngang hoặc giảm là chính.

Đơn cử giá cổ phiếu Sacombank (STB) liên tục đi xuống. Từ mức giá xoay quanh 15.000 đồng/cổ phiếu cùng kỳ năm trước đến nay STB chỉ còn 11.950 đồng/cổ phiếu, mất đi 20%. Còn cổ phiếu MSN của Masan, một năm trước ở giá gần 100.000 đồng/cổ phiếu thì nay chỉ còn 86.900 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư đã bị lỗ gần 15%...

Loạt doanh nghiệp chốt quyền vào tuần thứ 2 của tháng 5

CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long (UPCoM: HLB) chốt quyền chi trả cổ tức với tỷ lệ đến 100%, tương ứng chi ra đến 30 tỷ đồng để trả đợt này. Tính cả đợt này, trong năm 2018, HLB đã có tổng cộng 3 đợt chi trả cổ tức với tỷ lệ 200%. Đây là tỷ lệ chi trả cổ tức kỷ lục của Công ty từ năm 2016 đến nay, có thế năm 2018 Công ty làm ăn khấm khá, lợi nhuận sau thuế của HLB gấp rưỡi so với kế hoạch.

Công ty nổi tiếng với nhãn hiệu mì giấy Miliket - CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (UPCoM: CMN) cũng chốt quyền trả cổ tức tuần này với tỷ lệ 33%. Trong năm 2018, CMN đã bán ra 18,605 tấn sản phẩm, tăng trưởng 5%. doanh thu theo đó thu về 608 tỷ, tăng 9% và lợi nhuận trước thuế đạt gần 33 tỷ đồng, cao hơn 13% so với năm 2017.

Sang năm 2019, Miliket đặt kế hoạch sản lượng là 20,500 tấn. Doanh thu tăng gần 14% lên 691 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế kế hoạch chỉ tăng nhẹ lên 33 tỷ đồng. Với lợi nhuận dự kiến tương đương năm trước, Miliket cũng sẽ chia cổ tức 33% bằng tiền cho năm 2019.

Doanh nghiệp chốt quyền cổ tức thấp nhất tuần này là CTCP Dịch vụ Du lịch Mỹ Trà (UPCoM: MTC) với tỷ lệ 1%, đây là mức cổ tức trung thành của Công ty dành cho cổ đông trong suốt 5 năm qua.

Ngoài 64 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt còn có sự góp mặt của 3 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu như FPT, HBC hay DC4.

CTCP FPT (HOSE: FPT) và CTCP DIC Số 4 (HNX: DC4) đều dự kiến cho trả với tỷ lệ 10:01 còn CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) trả với tỷ lệ 20:01.

Hồng Nhung
Cùng chuyên mục