VCEA 2024: Kinh tế tuần hoàn - Tuần hoàn hóa ngành may mặc?

03/10/2024 13:19 GMT+7
Ngày 2/10, CL2B Advisory tổ chức Hội thảo Vietnam Circular Economy in Action - Hành động hướng tới Kinh tế tuần hoàn (VCEA) 2024 với sự tham gia của các doanh nghiệp đầu ngành và các đơn vị quản lý chất thải, cùng chia sẻ những cơ hội và sáng kiến về kinh tế tuần hoàn.

Trong đó, có những khách mời nổi bật như ông Daniel Stork – Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Kai Hofmann – Giám đốc dự án Tiêu dùng và Sản xuất Bền vững tại GIZ. 

Tại VCEA 2024, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia cùng trao đổi về những thách thức, cơ hội và cách tiếp cận mới trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Các phiên thảo luận tập trung vào những chia sẻ thực tiễn, bài học từ các doanh nghiệp và học giả, nhằm thúc đẩy việc triển khai các giải pháp thiết thực và bền vững.

Hội thảo Vietnam Circular Economy in Action - Hành động hướng tới Kinh tế tuần hoàn (VCEA) 2024.

Báo cáo về thực trạng và chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam bước đầu đã hình thành các thị trường mới về hàng hóa và dịch vụ môi trường, nguyên liệu thứ cấp, các sản phẩm thân thiện môi trường, việc làm xanh, đặc biệt là thị trường vốn cho kinh tế tuần hoàn. Đến tháng 6 năm 2024, dư nợ tín dụng xanh đã đạt 650.300 tỷ VND, với hơn 45% dành cho các dự án năng lượng tái tạo và gần 30% cho nông nghiệp xanh.

Những khoản đầu tư này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các sáng kiến kinh tế tuần hoàn trên nhiều lĩnh vực. 

Với chủ đề "Hành động Liên tục," sự kiện VCEA năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp các sáng kiến, giải pháp tuần hoàn vào hoạt động sản xuất và kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, bao bì và may mặc.

"Tại CL2B, chúng tôi hướng tới một tương lai mà tăng trưởng kinh tế không còn gắn với rủi ro cạn kiệt tài nguyên — một nền kinh tế tái tạo, nơi thiên nhiên và kinh doanh phát triển song hành," bà Lê Kim, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của CL2B chia sẻ. 

Theo bà Kim, kinh tế tuần hoàn không chỉ là một cơ hội chuyển hóa doanh nghiệp mà còn là sự thay đổi cần thiết trong cách chúng ta nhìn nhận về việc phát triển kinh tế xã hội. Hướng tới tương lai đó, chúng ta cần chuyển đổi mô hình kinh doanh một cách sáng tạo dựa trên dữ liệu, chính sách minh bạch. Và CL2B mong muốn dẫn đầu sự chuyển đổi đó bằng việc bứt phá những rào cản kinh tế, xã hội và công nghệ dựa trên sự tôn trọng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời thúc đẩy công bằng xã hội".

Hợp tác chiến lược nâng tầm ảnh hưởng tại Waste & Recycling Expo 2024

Hợp tác chiến lược giữa CL2B và Rx Tradex đã mang lại hiệu quả và tác động lớn cho cả hai sự kiện: VCEA 2024 và Waste & Recycling Vietnam Expo 2024. Hội thảo được tổ chức đồng thời với triển lãm, tạo nên sự kết nối đặc biệt giữa hai sự kiện lớn về phát triển bền vững. 

Sự hợp tác này thu hút thêm nhiều ngành nghề mới, đặc biệt là ngành sản xuất, đồng thời mang lại lợi ích lớn hơn cho người tham gia. Việc kết hợp giữa VCEA và Waste & Recycling Expo Vietnam 2024 không chỉ thu hút nhiều thành phần tham gia mà còn gia tăng tầm ảnh hưởng, giúp cả hai sự kiện trở thành những nền tảng tiên phong thúc đẩy các sáng kiến bền vững tại Việt Nam.

"Việc hợp tác với CL2B để tổ chức VCEA 2024 cho phép chúng tôi tạo ra một trải nghiệm toàn diện hơn cho người tham dự và cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về hệ sinh thái quản lý chất thải và tái chế. Chúng tôi hy vọng rằng sự kết hợp của hai sự kiện không chỉ giúp củng cố các đối thoại về phát triển bền vững mà còn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam," ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Rx Tradex Việt Nam chia sẻ.

Phiên thảo luận.

Tạo dựng một tương lai bền vững: Tuần hoàn hóa ngành may mặc

Tiếp nối thông điệp "Hành động Liên tục", VCEA 2024 cũng đã lan toả tác động của mình qua hai hoạt động cộng đồng, từ trực tuyến đến trực tiếp. Là một dự án phi lợi nhuận hàng năm, doanh thu từ tài trợ và sự kiện năm nay sẽ dùng để hỗ trợ Triển lãm Nghệ thuật Tái sinh. 

Dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ Việt Nam Nguyễn Quốc Dân, triển lãm mang tên "Loài Phế Liệu" sẽ trưng bày những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ vật liệu thải. Triển lãm không chỉ nhấn mạnh việc tái chế mà còn nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm về việc phân loại rác thải và tác động đến môi trường. Một trong những tác phẩm nổi bật sẽ được trưng bày tại Waste and Recycling Vietnam Expo từ ngày 2 đến 4 tháng 10 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), và triển lãm chính thức sẽ mở cửa cho công chúng từ ngày 4 đến 20 tháng 10 tại Trung tâm Triển lãm SunLife De La Sol ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoạt động thứ hai hướng đến cộng đồng là chuỗi podcast Circular Momentum, tạo ra một nền tảng hấp dẫn để thảo luận về nền kinh tế tuần hoàn, với các cuộc phỏng vấn cùng những lãnh đạo trong lĩnh vực phát triển bền vững. Chuỗi podcast sáu tập sẽ tiếp tục được phát sóng trên kênh YouTube của CL2B từ nay đến cuối năm.

Trong lần tổ chức thứ 3 này, VCEA 2024 đã trở thành một cột mốc quan trọng trong hành trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Hội thảo năm nay không chỉ quy tụ những ý tưởng sáng tạo và cơ hội hợp tác, mà còn khẳng định vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy sự chuyển mình của đất nước sang một mô hình kinh tế bền vững hơn.

Trong đó, nội dung tại phiên thảo luận số 3, hội thảo bàn luận chủ đề "Tạo dựng một tương lai bền vững: Tuần hoàn hóa ngành may mặc".

Trong 50 năm qua, sản xuất sợi dệt toàn cầu đã tăng vọt từ 25 triệu tấn vào năm 1970 lên khoảng 125 triệu tấn ngày nay, chủ yếu do sự phát triển của thời trang nhanh. CL2B đã dành sáu năm để phát triển các giải pháp dệt may tuần hoàn, từ đó ra mắt bộ sưu tập "Material Shows: Regen, Recycle, Relive" kết hợp cùng Công ty Vải sợi Bảo Lân và nhà thiết kế thời trang Phúc Trần.

Phần thảo luận trong phiên 3 tìm hiểu cách các thương hiệu thời trang có thể thúc đẩy tính tuần hoàn qua việc đổi mới vật liệu và sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất bền vững, cũng như xây dựng các chiến lược thị trường tiên tiến. 

Phiên thảo luận cũng đề cập đến sự quan tâm ngày càng lớn từ các thương hiệu toàn cầu đối với thị trường thời trang Việt Nam, cũng như cách để khuyến khích các thương hiệu địa phương áp dụng những thực hành tuần hoàn. Các diễn giả chia sẻ về việc làm thế nào các sản phẩm dệt tuần hoàn có thể giữ vững giá trị bền vững khi kết nối với những truyền thống và thực hành địa phương.

Về CL2B Advisory & VCEA

CL2B (Closed Loop To Balance) Advisory là một công ty tư vấn về kinh tế tuần hoàn, được thành lập vào năm 2019, chuyên về việc triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Với sứ mệnh đóng kín vòng đời của chất thải vật liệu và tạo điều kiện chuyển đổi sang tương lai không chất thải tại Việt Nam và Đông Nam Á, CL2B tận dụng kiến thức chiến lược, chuyên môn kỹ thuật và mạng lưới đối tác rộng lớn để hỗ trợ các công ty triển khai các dự án và chương trình kinh tế tuần hoàn hiệu quả và có tác động.

Vietnam Circular Economy in Action (VCEA) là sự kiện phi lợi nhuận thường niên của CL2B, tập trung vào việc tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại và hợp tác giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đồng thời tạo ra những thông tin và sáng kiến có thể hành động để thúc đẩy các nỗ lực kinh tế tuần hoàn trên toàn quốc.

PV Kinh tế
Cùng chuyên mục