VDSC dự báo những ngành nào tăng trưởng tích cực trong quý 3/2022?

06/08/2022 07:37 GMT+7
Theo dự báo của các chuyên viên phân tích Chứng khoán Rồng Việt, có 6/20 ngành dự báo vẫn giữ được tăng trưởng tích cực hoạt động kinh doanh trong Q3/2022, gồm: Bán lẻ, Ngân hàng, Du lịch giải trí, Điện, Công nghệ thông tin, Ô tô và Dầu khí.

Tăng trưởng, nhưng đà tăng chững lại

Theo kết quả tổng hợp của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kết quả kinh doanh của 739 doanh nghiệp trên HOSE và HNX cho thấy sự phân hóa. Thu nhập ròng của cổ đông công ty mẹ trên HOSE tăng 1,5% trong khi con số của rổ HXN giảm 45,09% so với cùng kỳ.

Tất cả các rổ chỉ số phụ của VN Index cũng ghi nhận sự kết quả đan xen khi thu nhập của VNMIDCAP cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 37,36% trong khi hai nhóm còn lại, VN30 và VNSMALL chứng kiến mức giảm lần lượt là 5,79% và 22,4%.

Phần lớn các doanh nghiệp trên sàn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu (xấp xỉ 64,3% doanh nghiệp) và có lãi (85,2% doanh nghiệp). Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu, đặc biệt là nhóm có mức tăng trên 20% ghi nhận thấp hơn so với cùng kì.

Về lợi nhuận, số lượng doanh nghiệp có mức lợi nhuận giảm và chuyển từ lãi sang lỗ cũng ghi nhận mức tăng so với cùng kì. Có thể thấy một vài dấu hiện của giảm tốc trong đà tăng trưởng trong quý vừa qua khi đường phân phối có xu hướng dịch về phía bên trái.

Có 13/19 ngành nghề ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu dương trong Q2 năm 2022: Du lịch & giải trí, Hàng cá nhân và gia dụng, Dầu khí là những ngành dẫn dẫn đầu tăng trưởng. Về lợi nhuận, Xây dựng và Vật liệu là nhóm nổi bật nhất với mức tăng trưởng khoảng 247%. 

VDSC dự báo những ngành tăng trưởng tích cực trong quý 3/2022 - Ảnh 1.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận từ đầu năm

Nhóm Ngân hàng (tăng 52%), Tiện ích (tăng 52%), Công nghệ (tăng 40%), Hàng cá nhân và gia dụng (tăng 65%), Ôtô & phụ tùng (tăng 206%), và Truyền thông (tăng 74%). Đáng chú ý, nhóm tài nguyên cơ bản và du lịch & giải trí là nhóm có kết quả kinh doanh chuyển từ lỗ sang lãi so với cùng kì.

Theo đánh giá của VDSC, hiện có một số tín hiệu tích cực về khả năng hạ nhiệt của lạm phát toàn cầu trong số liệu tháng 07/2022, khi các chỉ số về giá dầu, giá cả hàng hóa chung và hoạt động lưu thông hàng hóa đều có xu hướng cải thiện khả quan so với tháng 06/2022. 

VDSC đánh giá đây sẽ là thông tin tích cực nhất hỗ trợ cho VN-INDEX trong tháng 08/2022. Đồng thời, việc lạm phát được dự báo hạ nhiệt kỳ vọng nếu giá dầu vẫn giữ ổn định, hoặc có xu hướng giảm trong thời gian tới sẽ giúp Fed có dư địa để xem xét lại mức độ cũng như lộ trình nâng lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế tốt hơn.

Trong nước, theo quan điểm về mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn giữ ở mức 14% cả năm 2022 của NHNN nhằm ổn định lãi suất, tỷ giá trong nước. 

Tính đến cuối tháng 07/2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 9,42% từ đầu năm tới nay, như vậy hạn mức tín dụng năm tháng còn lại là 4,6%. Điều này dẫn tới các NHTM chưa có nhiều động lực tăng huy động tiền gửi. Theo đó mặt bằng lãi suất huy động có thể chưa có nhiều thay đổi trong tháng 08/2022. 

VN-Index có thể biến động trong vùng 1.200-1.300 điểm

Xét về hoạt động kinh doanh doanh nghiệp, sau mùa BCTC Q2/2022, tháng 8 thường sẽ đi vào vùng trống thông tin để thị trường có các cơ sở thay đổi định giá. Đồng thời, nhìn xa hơn triển vọng kinh doanh các ngành trong Q3/2022, ở thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn giữ quan điểm trung lập-khả quan về mức độ tác động tổng thể các ngành lên chỉ số VN-INDEX.

Tháng 8, VDSC dự báo VN-Index có thể biến động trong vùng 1.200-1.300 điểm. Nhà đầu tư có thể giải ngân trở lại một phần danh mục cho chiến lược ngắn hạn và vẫn ưu tiên giữ môt lượng tiền mặt dành cho chiến lược đầu tư dài hạn khi các thông tin hỗ trợ các nhóm ngành dần rõ ràng hơn. 

Cũng theo Chứng khoán Rồng Việt, trong kịch bản tiêu cực, nếu giá dầu quay trở lại mức trên 130 USD/thùng, điều này sẽ tác động trở lại đến số liệu lạm phát trong các tháng tiếp theo và các kịch bản về việc giảm đà tăng lãi suất của Fed. Do đó chỉ số VN-INDEX cũng sẽ có thể diễn biến kém lạc quan hơn so với mức kỳ vọng.

VDSC dự báo những ngành tăng trưởng tích cực trong quý 3/2022 - Ảnh 2.

Thay đổi doanh thu theo nhóm ngành Q2/2022

Sau mùa BCTC Q2/2022, trong tháng 8 được cho là vùng trống thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn xa hơn triển vọng kinh doanh các ngành trong Q3/2022, theo dự báo của các chuyên viên phân tích Rồng Việt, có 6/20 ngành dự báo vẫn giữ được tăng trưởng tích cực hoạt động kinh doanh trong Q3/2022, bao gồm: Bán lẻ, Ngân hàng, Du lịch giải trí, Điện, Công nghệ thông tin, Ô tô và Dầu khí. Trong đó, các ngành Du lịch, Ô tô & Thực phẩm kỳ vọng sẽ mang lại sắc xanh cho thị trường nhờ sự phục hồi hoạt động kinh doanh, trong khi giá vẫn đang ở vùng chiết khấu.

Các nhóm ngành còn lại có nhiều động lực thay đổi giá đáng kể từ việc phân tích về triển vọng kinh doanh thời điểm hiện tại. Trong đó, các ngành Bảo hiểm, VLXD và Hóa chất dự báo sẽ có KQKD giảm trong BCTC Q3/2022.

Sau khi KQKD Q2-2022 của các doanh nghiệp dần được công bố trong tuần cuối của tháng 7 cho tới nay, nhóm cổ phiếu tài chính, y tế và công nghiệp, phản ứng khá tích cực khi chỉ số các các ngành này ghi nhận hiệu suất vượt trội đáng kể so với VN-Index. 

Diễn biến của chỉ số ngành tài chính (đại diện phần lớn bởi nhóm ngân hàng) này có phần phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi trong tháng 7, khi cổ phiếu của ngành này chưa thực sự có đà phục hồi rõ ràng kể từ tháng 5 do chịu tác động bởi những chính sách điều hành vĩ mô liên quan tới room tín dụng, trong khi xét về tăng trưởng lợi nhuận thì ngành này vẫn đang cho thấy những tín hiệu khả quan và phù hợp với dự báo.

Sự tăng trưởng trong lợi nhuận Q2/2022 của các ngành cấp 2 như Ngân hàng, Thực phẩm và đồ uống, Y tế, Tài nguyên cơ bản đã đưa mức định giá P/E và P/B của những ngành này hiện tại xuống thấp hơn mức trung bình 3 năm. 

VDSC cho biết tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu như CTG, VCB, ACV. Đối cổ phiếu đã đạt giá mục tiêu là BID, NĐT có thể cân nhắc chốt lời theo hướng giá tăng do chúng tôi kỳ vọng rằng xu hướng tăng giá của nhóm ngân hàng vẫn có thể được duy trì trong ngắn hạn.

Ngoài ra, Chứng khoán Rồng Việt cũng cho rằng xu hướng giảm của các nguyên vật liệu sẽ cải thiện được biên lợi nhuận và triển vọng tăng trưởng nửa sau năm 2022 của các doanh nghiệp sản xuất vốn đã có kế hoạch tăng giá bán hoặc giá bán có thể điều chỉnh theo giá NVL nhưng ở mức thấp hơn do đầu ra ổn định. Theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tích lũy các cổ phiếu DRC, VNM, BMP.



O.L
Cùng chuyên mục