Vì sao cổ đông sáng lập muốn “tháo chạy” khỏi BaoViet Bank?

26/09/2019 09:57 GMT+7
Chỉ trong vòng 2 năm, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) đã có tới 3 lần chuyển giao chức vụ Quyền tổng giám đốc. Nhân sự cấp cao biến động, kết quả kinh doanh bán niên của nhà băng này cũng “bốc hơi” trên 40% so với cùng kỳ năm trước. Và mới đây nhất, 1 trong 3 cổ đông sáng lập muốn thoái sạch vốn khỏi BaoViet Bank.

Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn công nghệ CMC vừa ban hành nghị quyết về việc hoàn tất thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank).

Theo đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) CMC ủy quyền cho ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch/Tổng Giám đốc thực hiện toàn bộ các thủ tục, ký kết toàn bộ các văn bản, tài liệu theo quy định để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng cổ phần tại BaoViet Bank.

Vì sao cổ đông sáng lập muốn “tháo chạy” khỏi BaoViet Bank? - Ảnh 1.

CMC ủy quyền cho ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch/Tổng Giám đốc hoàn tất thủ tục chuyển nhượng cổ phần tại BaoViet Bank

Tính đến ngày 30/6/2019, CMC sở hữu 10,3% vốn của nhà băng này, tương đương hơn 324 tỷ đồng theo mệnh giá. 2 cổ đông lớn còn lại là Tập đoàn Bảo Việt (sở hữu 49,5%) và Vinamilk (sở hữu hơn 14%).

BaoVietBank thành lập vào tháng 1/2009, là ngân hàng nội được cấp phép muộn nhất trong số hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay. Số vốn điều lệ ban đầu là 1.500 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn góp của các cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Bảo Việt là 52%, Vinamilk là 8% và Tập đoàn công nghệ CMC góp 9,9%.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau đó, tập đoàn công nghệ CMC đã có chủ trương thoái vốn khỏi BaoViet Bank nhưng đến nay việc thoát vốn của CMC vẫn chưa thể diễn ra.

Theo giới phân tích, ngoài việc thay đổi chiến lược đầu tư, kết quả kinh doanh không mấy khả quan của BaoViet Bank là yếu tố mang tính quyết định tới việc thoái vốn của CMC khỏi BaoViet Bank.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính bán niên năm 2019 đã được soát xét vừa được công bố, thu nhập lãi thuần trong 6 tháng đầu năm nay của BaoViet Bank đạt 398,2 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán của BaoViet Bank lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, lãi thuần từ 2 mảng này chỉ đạt 3,6 tỷ đồng và 4,4 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm tới 75% và 98%.

Cùng với chi phí hoạt động gia tăng dẫn tới lợi nhuận trước thuế của BaoViet Bank trong nửa đầu năm 2019 chỉ đạt 11,2 tỷ đồng, sụt giảm 53% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt 10,5 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi kết quả kinh doanh giảm sút, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) đã ban hành Nghị quyết số 3596/2019/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh Hường đảm nhận chức vụ Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bảo Việt, kể từ ngày 13/9/2019.

Vì sao cổ đông sáng lập muốn “tháo chạy” khỏi BaoViet Bank? - Ảnh 2.

Tân Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Bảo Việt Nguyễn Thị Thanh Hường

Bà Nguyễn Thị Thanh Hường sinh năm 1970, là Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng của Trường Đại học Paris Dauphine và có 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngân hàng.

Điều đáng nói, trong hai năm trở lại đây, vị trí quyền tổng giám đốc được chuyển giao qua 3 người. Trước đó, từ 2017 đến tháng 11/2018 ông Tôn Quốc Bình đảm nhận vị trí ghế nóng, sau đó từ giữa tháng 11/2018 đến lượt ông Phạm Nguyễn Thế Phong, và bây giờ là bà Nguyễn Thị Thanh Hường.

Bên cạnh vị trí quyền tổng giám đốc của bà Hường, đội ngũ lãnh đạo của BaoViet Bank đang có 6 phó tổng giám đốc.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục