Vì sao giá lợn hơi đồng loạt tăng mạnh, tiến sát mốc 70.000 đồng/kg?
Giá lợn hơi hôm nay đồng loạt tăng vọt
Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi điều chỉnh tăng từ 1.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg trên diện rộng. Theo đó, Hà Nội và Bắc Giang lần lượt tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg lên mức 63.000 - 64.000 đồng/kg.
Sau khi tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg, thương lái tại Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam và Vĩnh Phúc hiện thu mua lợn hơi trong khoảng 64.000 - 66.000 đồng/kg. Nam Định, Ninh Bình và Tuyên Quang đang neo giá lợn hơi tại mức 65.000 đồng/kg. Miền Bắc cũng xuất hiện mức giá cao nhất nước tại Thái Bình, đạt 68.000 đồng/kg.
Thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá lợn tăng cao nhất 5.000 đồng/kg. Trong đó, thương lái tại Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Bình Thuận thu mua lợn hơi với giá 58.000 - 62.000 đồng/kg.
Sau khi tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg, các tỉnh Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Bình Định điều chỉnh giao dịch lên khoảng 58.000 - 61.000 đồng/kg. Tương tự, thương lái tại Thanh Hóa, Đắk Lắk và Nghệ An đang thu mua lợn hơi trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg. Hiện tại, giá thu mua lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây nguyên dao động trong khoảng 58.000 - 63.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể, thương lái tại Bình Phước, TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Hậu Giang và Tiền Giang đang thu mua lợn hơi trong khoảng 58.000 - 61.000 đồng/kg sau khi nhích nhẹ một giá. Hai tỉnh Sóc Trăng và Đồng Nai cùng tăng 2.000 đồng/kg lần lượt lên mức 58.000 và 63.000 đồng/kg. Giá lợn hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 54.000 - 63.000 đồng/kg.
Một số công ty dự đoán giá lợn hơi sẽ bật tăng vượt mốc 70.000 đồng/kg vào tuần tới.
Theo nhiều hộ chăn nuôi, giá lợn hơi có xu hướng tăng mạnh là bởi thời gian trước gặp dịch bệnh, nhiều trại nuôi bán tháo, lợn mới chỉ 60-80kg đã bán. Đến nay, nguồn cung thiếu hụt đẩy giá lợn hơi tăng cao. Ngoài ra, giá chăn nuôi tiếp tục được điều chỉnh tăng đẩy giá bán thịt lợn lên theo.
Thời gian qua, giá xăng, dầu tăng phi mã kéo theo tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng cao, trong đó có mặt hàng thực phẩm. Đây là nguyên nhân chính khiến giá các loại thịt bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng rất cao.
Như vậy, bước sang nửa cuối năm 2022, giá lợn hơi ba miền đang tiến lên mốc 70.000 đồng/kg sau nhiều tháng đi ngang quanh mốc 55.000-60.000 đồng/kg. Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi) đánh giá, thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào tăng phi mã theo giá xăng dầu nên tất yếu giá sản phẩm phải nhích lên.
Tuy nhiên, dự báo đà tăng của giá lợn hơi vẫn khá chậm và có thể chỉ tăng 5 - 10% nữa (tương đương 3.000 – 6.000 đồng/kg) trong quý III này. Và ngay cả khi bước sang quý IV – thời điểm vàng của tiêu thụ thịt lợn, giá lợn cũng khó tạo ra bước nhảy vọt vì tổng đàn lợn cả nước vẫn ổn định ở mức 28,2 triệu con, cung cấp khoảng 3,8 – 4 triệu tấn thịt/năm.
Nguồn cung thịt lợn của Việt Nam vẫn dồi dào
Trong tháng 6/2022, đánh giá của cơ quan chức năng, chăn nuôi trâu, bò trong nước ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao trên toàn cầu do khủng hoảng thị trường ngũ cốc, nguồn cung cấp ngũ cốc không ổn định, chi phí vận chuyển tăng cao... gây khó khăn cho trang trại nuôi lợn.
Thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lây lan nhanh trên địa bàn một số địa phương khiến việc chăn nuôi của người dân cũng gặp khó khăn. Với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lưu hành thương mại loại vaccine này. Thành công trên có thể sẽ mở ra nhiều cơ hội cho chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi, qua đó ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường.
Trong tháng 6/2022, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước biến động nhẹ. Giá có xu hướng giảm trong 20 ngày đầu tháng, sau đó tăng trở lại. Tại miền Bắc giá lợn hơi cuối tháng 6 dao động quanh mức 57.000-61.000 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2022; Tại miền Trung và khu vực Tây Nguyên giá dao động quanh mức 52.000- 57.000 đồng/kg, tăng 1.000-2.000 đồng/kg; Tại miền Nam giá dao động quanh mức 56.000-59.000 đồng/kg, tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2022.
Giá lợn hơi đang tăng rất mạnh trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm thịt vẫn chậm do thời tiết nắng nóng và dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nên lượng tiêu thụ thịt vẫn khó tăng nhanh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 5/2022, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt đạt 1,78 nghìn tấn, trị giá 6,7 triệu USD, tăng 14,5% về lượng và tăng 8,3% về trị giá so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 6,23 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 24,89 triệu USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 17,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 5/2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan, Pháp, Bỉ, Anh, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 43,43% tổng lượng thịt xuất khẩu của cả nước với 773 tấn, trị giá 3,56 triệu USD, giảm 13,6% về lượng và giảm 13,9% về trị giá so với tháng 5/2021.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông 2,54 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 13,31 triệu USD, giảm 54,2% về lượng và giảm 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn nguyên con đông lạnh, thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con...
Trong tháng 5/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Đùi ếch đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con; Thịt lợn nguyên con đông lạnh… Trong đó, đùi ếch đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 518 tấn, trị giá 1,57 triệu USD, tăng 189,4% về lượng và tăng 54,1% về trị giá so với tháng 5/2021, giá xuất khẩu bình quân đạt 3.033 USD/tấn, giảm 46,7% so với tháng 5/2021. Đùi ếch đông lạnh được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Pháp, Bỉ, Anh, Tây Ban Nha, Pa-pua Niu Ghi-nê, Hàn Quốc… Trong đó xuất khẩu sang thị trường Pháp chiếm 48,1% và Bỉ chiếm 25% tổng lượng đùi ếch đông lạnh xuất khẩu của cả nước trong tháng 5/2022.
Về nhập khẩu: Theo Tổng cục Hải quan, tháng 5/2022, Việt Nam nhập khẩu 52,62 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 121,2 triệu USD, giảm 26,3% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 235,32 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 528,67 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 5/2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 33 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam trong tháng 5/2022, với 14,13 nghìn tấn, trị giá 45,31 triệu USD, tăng 42,5% về lượng và tăng 41,3% về trị giá so với tháng 5/2021, chiếm 26,85% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng. Giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ về Việt Nam ở mức 3.206 USD/tấn, giảm 0,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 66,24 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ, với trị giá 205,01 triệu USD, tăng 19,4% về lượng và tăng 14,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 5/2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, thịt trâu tươi đông lạnh, phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2021; trong khi nhập khẩu thịt bò và thịt trâu tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Từ đầu năm 2022 đến nay, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước chậm, trong khi nguồn cung dồi dào. Trong tháng 5/2022, Việt Nam nhập khẩu 7,18 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 13,89 triệu USD, giảm 50,9% về lượng và giảm 58,6% về trị giá so với tháng 5/2021, giá nhập khẩu trung bình đạt 1.934 USD/tấn, giảm 15,6% so với tháng 5/2021.
Tháng 5/2022, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 14 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Bra-xin chiếm 39,38%; Đức chiếm 21,62%; Nga chiếm 16,82%; Canada chiếm 11,12%... Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 36,78 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 77,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 47,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, cơ cấu thị trường cung cấp thịt lợn cho Việt Nam có sự thay đổi, khi tỷ trọng nhập khẩu từ Nga, Canada, Ba Lan giảm mạnh; trong khi nhập khẩu từ Bra-xin, Đức và Hà Lan lại tăng mạnh.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, cả nước có 2.329 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 50 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, trong đó, có 1.131 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn.
6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 753 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 225 huyện của 47 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.516 con. Hiện cả nước có 138 ổ dịch tại 62 huyện của 21 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 9.867 con; tổng số lợn chết và tiêu hủy là 10.076 con. So với cùng kỳ năm 2021, xã có dịch dịch tả lợn châu Phi giảm 1,5 lần và số lợn bị tiêu hủy giảm gần 3 lần.
Mới đây, Cục Thú y đã tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cấp Giấy chứng nhận lưu hành vaccine AVAC ASF LIVE (vaccine dịch tả lợn châu Phi nhược độc, đông khô) của Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam. Đồng thời, tổ chức thẩm định giống virus vaccine và kiểm nghiệm 3 lô vaccine dịch tả lợn châu Phi của Công ty Dabaco.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam sẽ đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt lợn trong năm 2022 với khoảng 3,4 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030.
Nói về quý III, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng dự đoán sản lượng thịt gia súc và gia cầm sẽ đạt khoảng 1,6 triệu tấn (tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, sản lượng thịt bò đạt khoảng 110.000 tấn (tăng 3,4%); sản lượng thịt trâu đạt hơn 28.000 tấn (tăng 2,6%); sản lượng thịt lợn đạt hơn 1 triệu tấn (tăng 4,7%), sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 476.000 tấn (tăng 5,7%).
Tuy nhiên, do nguồn cung thịt của Việt Nam dồi dào, nên dù giá lợn hiện có tăng lên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới.