Vì sao Vinaconex không kỳ vọng quá cao vào lợi nhuận từ các dự án xây lắp?

Thế Anh
21/04/2025 14:26 GMT +7
Ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết, VCG xác định rõ mục tiêu không để xảy ra tình trạng lỗ công trình, trừ những trường hợp đặc biệt.

Ngày 21/4/2025, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; mã: VCG) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua mục tiêu năm 2025, đạt doanh thu hợp nhất 15.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18%. Lợi nhuận sau thuế 1.200 tỷ đồng, cao hơn 8% so với con số thực hiện năm 2024.

Năm 2025, tổng công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng và Vinaconex cam kết sẽ thực hiện được. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tỷ lệ 90-95% sẽ đạt được.

Ước tính kết quả kinh doanh quý I/2025 của Vinaconex đạt doanh thu hợp nhất là 2.600 tỷ, bằng 17% kế hoạch, tương đương cùng kỳ 2024. Lợi nhuận sau thuế khoảng 150 tỷ. Với riêng công ty mẹ, lãi sau thuế khoảng 250 tỷ, đạt 25% kế hoạch.

Năm 2025, tổng công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng và Vinaconex cam kết sẽ thực hiện được. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tỷ lệ 90 - 95% sẽ đạt được.

Thông tin về kế hoạch năm 2025, Ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng Giám đốc Vinaconex khẳng định: "Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở những công việc Vinaconex đang thực hiện và sẽ triển khai trong thời gian tới"

Trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là mảng hạ tầng và các dự án đầu tư công, đang cạnh tranh rất khốc liệt, ông Đông nhấn mạnh: "Chúng tôi không đặt kỳ vọng quá cao vào lợi nhuận từ các dự án xây lắp. Mục tiêu chính là đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước".

Theo ông Đông, Vinaconex xác định rõ mục tiêu hiệu quả kinh tế, không để xảy ra tình trạng lỗ công trình - trừ những trường hợp đặc biệt. Năm 2023 là một năm rất khó khăn cho ngành xây dựng, nhưng Vinaconex không để lỗ một công trình nào cả.

Vinaconex tăng cường công tác quản trị, khai thác tối đa năng lực tổng công ty, đồng thời đặc biệt chú trọng thu hồi công nợ - yếu tố cực kỳ nan giải trong lĩnh vực xây lắp. Vì vậy, Ban điều hành có chủ trương không nhận quá nhiều dự án, nhất là những dự án có nguồn vốn không rõ ràng trong bối cảnh bất động sản khó khăn hiện nay.

Vinaconex đã cố gắng quyết toán dứt điểm các công trình cũ gặp khó khăn trong thanh toán như tuyến đường Láng - Hòa Lạc. Với các dự án mới, Công ty đặt ra tiêu chí rõ ràng ngay từ đầu: phải phân công trách nhiệm cụ thể, có lộ trình thanh quyết toán minh bạch và đảm bảo thu được tiền.

Hiện nay, Vinaconex đã có định hướng tham gia vào dự án đường sắt cao tốc và dự án điện hạt nhân. Qua đó, kết hợp với Đại học Xây dựng để đào tạo nhân lực cho dự án này. Với dự án điện hạt nhân thì Vinaconex đang liên hệ nhưng cũng chưa rõ ràng. Định hướng là Vinaconex sẽ tham gia vào hai dự án này.

Được biết, Vinaconex có ba mảng kinh doanh là xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính.

Về xây dựng, tăng trưởng về doanh thu mảng xây dựng sẽ đáp ứng được song lợi nhuận sẽ khó.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận để có tiền trả cổ tức cho cổ đông phải đến từ hoạt động đầu tư, bất động sản.

Dòng tiền từ mảng bất động sản bao gồm bất động sản dân dụng, nghỉ dưỡng, khu công nghiệp.

Đối với Dự án Cát Bà Amatina, hiện Vinaconex ITC chưa ký chính thức với bất kỳ đối tác nào nhưng đàm phán là có. Biên lợi nhuận ai cũng muốn cao nhưng còn phụ thuộc vào giá, biến động của thị trường và khả năng của khách hàng.

Cố gắng trong 2025 sẽ bán buôn một phần với số lượng tương đối lớn để đảm bảo dòng tiền và lợi nhuận. Nguyên tắc là phải có lãi tương đối nhưng chưa thể công bố vì đang đàm phán.