Vì sao vốn đầu tư mạo hiểm vào thị trường công nghệ Trung Quốc sụt giảm?
Cụ thể, giá trị đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ Trung Quốc trong quý II/2019 là 9,7 tỷ USD, theo dữ liệu của công ty tài chính Preqin. So với giá trị đầu tư 41,3 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, con số này đã giảm tới 77%.
Thiếu đổi mới là nguyên nhân chính
Ngành công nghệ Trung Quốc có vẻ như đang phát triển vượt trội với hàng loạt công ty công nghệ lớn như Bytedance (sở hữu ứng dụng Tiktok) hay Ant Financial sở hữu Alibaba và Alipay. Nhưng giờ đây, các nhà đầu tư đang đánh giá Trung Quốc là đất nước có lĩnh vực công nghệ thiếu sự đổi mới.
“Nếu bạn nhìn vào cả thập kỷ vừa qua, có rất nhiều cơ hội sau sự bùng nổ của công nghệ di động. Di động như một nền tảng mà từ đó sinh ra những cải tiến, đột phá đầy hứa hẹn.” - ông Yuan Liu, CEO quỹ đầu tư Zhenfund cho hay. “Mọi người đã nghĩ liệu công nghệ thực tế ảo VR có phải sự bùng nổ tiếp theo sau thời di động hay không? Hay trí tuệ nhân tạo AI có chứa nhiều hy vọng về một thời đại mới hay không”?
Dường như bất kỳ xu hướng mới nào trên thị trường dễ dàng làm các nhà đầu tư phấn khích, từ đó thúc đẩy làn sóng đầu tư, đặc biệt là đầu tư mạo hiểm. Một khi làn sóng đầu tư mạo hiểm hạ nhiệt, có thể giải thích do sự thiếu đổi mới trong ý tưởng công nghệ.
Làn sóng đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc đang hạ nhiệt
Jixun Foo, đối tác quản lý quỹ đầu tư CGV Capital đã đầu tư vào một số tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Didi - ứng dụng chia sẻ xe và nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Xpeng Motors cũng xác nhận quan điểm ấy. “Mọi sự vật hiện tượng đều có chu kỳ của nó. Chúng ta đã tiến từ 3G đến 4G, và khi 5G xuất hiện, đó sẽ là một làn sóng đổi mới tiếp theo. Những làn sóng đổi mới thúc đẩy sự đầu tư mới”.
“Để thu hút đầu tư, cần tạo động lực trong đổi mới’ - Foo khẳng định.
Quan ngại chiến tranh thương mại
Bên cạnh sự thiếu đổi mới trong công nghệ, một số nhà đầu tư cũng viện dẫn xung đột thương mại Mỹ Trung trong hơn 1 năm qua như lý do khiến yếu tố đầu tư mạo hiểm vào Trung Quốc giảm. Những căng thẳng thương mại, trừng phạt thuế quan và nhiều hàng rào thương mại khác đã gửi nhiều tín hiệu không tốt đến các nhà đầu tư.
Ví dụ như sự kiện Huawei bị đưa vào danh sách đen của Mỹ. Dù cho những hạn chế đã được nới lỏng, nhưng tâm lý tiêu cực với ngành công nghệ Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng liên quan đến cáo buộc gián điệp, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ăn cắp bí mật thương mại… vẫn là trở ngại lớn.
Cổ phiếu Xiaomi đã giảm 26% trong năm 2019 dù mới ra mắt tháng 7.2018 và không liên quan tới bất cứ nghi vấn nào của Chính phủ Mỹ. Cổ phiếu nhà sản xuất ô tô điện NIO còn tồi tệ hơn, giảm 46% trong năm nay.
Thị trường đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi thương chiến, và những nhà đầu tư chắc chắn sẽ thận trọng hơn khi nhìn vào các số liệu kinh tế. Nhất là khi xung đột Mỹ Trung cho đến giờ vẫn chưa thấy rõ hướng đi đến thỏa thuận thống nhất.