Việt Nam là một trong 3 nước nhập khẩu bánh gạo Hàn Quốc các loại nhiều nhất thế giới
Bất chấp cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gạo (bánh mì, bánh quy, bánh gạo, bột gạo, mì gạo, đồ uống và nhiều loại ngũ cốc chế biến khác) của Hàn Quốc vẫn đạt mức cao nhất mọi thời đại là 137,6 triệu USD trong năm 2020, tăng 26,9% so với năm 2019.
Theo tờ Korea Economic Daily, mức tăng đột phá như vậy có thể do chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ các công ty xuất nhập khẩu mở rộng thị trường tại nước ngoài cũng như các doanh nghiệp chủ động thúc đẩy những chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thích nghi với môi trường kinh doanh mới thời kỳ đại dịch. Một nguyên nhân khác có thể do nhu cầu tăng cao từ những người Hàn Quốc sống và làm việc tại nước ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặt hàng chế biến từ gạo của Hàn Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng cao với kim ngạch xuất khẩu đại 79,7 triệu USD. Bánh gạo (tokbokki hay bánh gạo cay nóng) cũng ghi nhận sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu mạnh mẽ tại các thị trường châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc do làn sóng văn hóa Hàn Quốc (hay gọi là hallyu - Hàn lưu) lan tỏa rộng rãi. Các sản phẩm như cơm chiên đông lạnh hay đồ ăn liền từ gạo cũng chứng kiến kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh do nhu cầu đa dạng hóa bữa ăn gia đình khi người tiêu dùng tại nhiều quốc gia, khu vực được khuyến cáo hạn chế ra ngoài do cuộc khủng hoảng đại dịch kéo dài.
Phân loại theo khu vực, trong năm 2020, Mỹ là nhà nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ gạo số 1 của Hàn Quốc. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 54,2 triệu USD, tăng 53,3% so với năm 2019.
Tiếp sau đó là Nhật Bản (17,04 triệu USD), Việt Nam (12,89 triệu USD) và Trung Quốc (9,07 triệu USD).