Việt Nam nhập khẩu 1,7 tỷ USD xăng dầu các loại

27/03/2022 08:09 GMT+7
Tổng cục Hải quan thông tin, tính chung từ đầu năm đến giữa tháng 3/2022, cả nước nhập khẩu hơn 1,93 triệu tấn xăng dầu các loại, tổng kim ngạch lên đến gần 1,7 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam tăng vọt

Số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố ngày 25/3 cho thấy, trong nửa đầu tháng 3/2022 (từ ngày 1-15/3), cả nước nhập khẩu 583.143 tấn xăng dầu các loại, tổng kim ngạch là 576,6 triệu USD. Trong đó, dầu diesel nhập khẩu 323.110 tấn, kim ngạch 306,3 triệu USD; tiếp theo là xăng với 187.880 tấn, kim ngạch 206,7 triệu USD; còn lại là dầu mazut và nhiên liệu bay.

Tính chung từ đầu năm đến giữa tháng 3/2022, cả nước nhập khẩu hơn 1,93 triệu tấn xăng dầu các loại, tổng kim ngạch lên đến gần 1,7 tỷ USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xăng dầu nhập khẩu chỉ tăng gần 20%, nhưng kim ngạch tăng tới 104%. Điều này cho thấy trị giá bình quân (chưa thuế) của xăng dầu nhập khẩu tăng mạnh so với thời điểm 1 năm trước đây. Nguyên nhân chính được cho là do giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Theo đó, bình quân trị giá xăng dầu nhập khẩu lên đến 862 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 506 USD/tấn. Như vậy, trị giá bình quân tăng tới trên 70,35%, tương đương tăng thêm hơn 8 triệu đồng/tấn.

Tổng cục Hải quan cho hay, các thị trường nhập khẩu xăng dầu chủ yếu của Việt Nam đến từ châu Á có Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc…

Trong đó, 4 thị trường gồm: Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore có lượng xăng dầu nhập khẩu đạt từ 100 nghìn tấn trở lên.

Cụ thể, Malaysia đạt 402.040 tấn, kim ngạch 315,7 triệu USD; Hàn Quốc đạt 348.819 tấn, kim ngạch 281,7 triệu USD; Thái Lan đạt 173.422 tấn, kim ngạch 139 triệu USD; Singapore đạt 161.944 tấn, kim ngạch 127,5 triệu USD.

 Xuất siêu gần 100 triệu USD trong nửa đầu tháng 3 

Số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan cũng cho hay, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2022 đạt 30,55 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 3,44 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2022. 

Kết quả đạt được trong 15 ngày đầu tháng 3/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/3/2022 đạt 140,05 tỷ USD, tăng 14,3%, tương ứng tăng 17,48 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 97,45 tỷ USD, tăng 11,8% (tương ứng tăng tới 10,31 tỷ USD).

Trong kỳ 1 tháng 3/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 93 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 492 triệu USD.

Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 3/2022 đạt 15,32 tỷ USD, tăng 5,6% (tương ứng tăng 808 triệu USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 02/2022.

Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 3/2022 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2022, gồm: điện thoại các loại & linh kiện tăng 596 triệu USD, tương ứng tăng 27,2%; gỗ & sản phẩm từ gỗ tăng 88 triệu USD, tương ứng tăng 15,1%; dầu thô tăng 61 triệu USD, tương ứng tăng 85,2%...

Như vậy, tính đến hết 15/3/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 69,78 tỷ USD, tăng 12,2% tương ứng tăng 7,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: hàng dệt may tăng 1,26 tỷ USD, tương ứng tăng 21,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 776 triệu USD, tương ứng tăng 8,2%; máy móc thiết bị dung cụ & phụ tùng tăng 724 triệu USD, tương ứng tăng 10%... so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam nhập khẩu 1,7 tỷ USD xăng dầu các loại - Ảnh 1.

Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ từ 01/01/2022 đến 15/3/2022 và cùng kỳ năm 2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 3/2022 đạt 11,28 tỷ USD, tăng 5,5% tương ứng tăng 585 triệu USD so với kỳ 2 tháng 02/2022.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 50,86 tỷ USD, tăng 8,3%, tương ứng tăng 3,92 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 72,9% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2022 đạt 15,23 tỷ USD, tăng 20,9% (tương ứng tăng 2,64 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2022.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 3/2022 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2022 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 568 triệu USD, tương ứng tăng 17,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng 282 triệu USD, tương ứng tăng 19,8%; vải các lọai tăng 228 triệu USD, tương ứng tăng 65%...

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/3/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 70,3 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 9,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 4,05 tỷ USD, tăng 30,1%; xăng dầu các loại tăng 850 triệu USD, tương ứng tăng 104,3%; vải các loại tăng 586 triệu USD, tương ứng tăng 25,1%; sắt thép các loại tăng 487 triệu USD, tương ứng tăng 23,9%... so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam nhập khẩu 1,7 tỷ USD xăng dầu các loại - Ảnh 2.

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2022 đến 15/3/2022 và cùng kỳ năm 2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Trong kỳ 1 tháng 3/2022, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt 9,92 tỷ USD, tăng 19% (tương ứng tăng 1,58 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 02/2022.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2022, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 46,59 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 6,39 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 66,3% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.


PV
Cùng chuyên mục