Vietjet giảm giá vé và Bamboo Airways tăng quy mô, Vietnam Airlines “hụt hơi”?
Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2020 dự kiến tổ chức vào ngày 10/8 tới. Trước đó, Vietnam Airlines từng nhiều lần hoãn tổ chức đại hội từ ngày 29/6 đến 16/7 rồi đến 28/7 cùng với lý do chưa chuẩn bị xong tài liệu.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2020, Vietnam Airlines đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất của cả năm 2020 là 40.586 tỷ đồng, chỉ bằng 40,5% so với thực hiện năm 2019. Lỗ sau thuế hợp nhất năm nay ước tính 15.177 tỷ đồng. Số liệu kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Vietnam Airlines được tính dựa trên phương án được vay 12.000 tỷ đồng của Chính phủ với thời hạn 3 năm và Tổng công ty chưa thực hiện các giải pháp tăng vốn chủ sở hữu năm 2020.
Gặp khó khi Bamboo Airways tăng quy mô, Vietjet giảm giá vé
Trong năm ngoái, Vietnam Airlines đạt 100.316 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng nhẹ 1,4% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế là 2.537 tỷ đồng, giảm 2,4%.
Theo nhìn nhận của hãng hàng không này, thị trường hàng không năm 2019 vẫn ghi nhận tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại so với giai đoạn trước, đặc biệt là mảng quốc tế. Các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan xảy ra tình trạng dư tải, tốc độ tăng trưởng hành khách thấp hơn tốc độ tăng trưởng cung ứng. Các hãng giá rẻ đổ tải hàng loạt khiến mặt bằng giá vé giảm mạnh. Tổng thị trường quốc tế tăng trường 14,5% nhưng phân khúc truyền thống của Vietnam Airlines chỉ tăng 10,4% trong khi hàng không giá rẻ (LCC) tăng 23,8%. Thị trường thuê chuyến tăng 22% nhưng chủ yếu tăng trưởng ở phân khúc LCC với 40%.
Ngoài ra, việc đồng nhân dân tệ mất giá và kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến thị trường thuê chuyến Trung Quốc trở nên ảm đạm hơn, nhiều đối tác thuê chuyến ngưng hợp đồng, giảm tuần suất, khiến sản lượng của Vietnam Airlines giảm.
Tại thị trường nội địa, Bamboo Airways gia nhập ngành và tăng quy mô đội tàu bay lên tới trên 20 chiếc. Bên cạnh đó, Vietjet với mục tiêu giữ slot, giành thị phần đã liên tục tăng tải và triển khai giảm giá mạnh. Số ghế cung ứng năm 2019 tăng 18%, các tháng cuối năm tăng 30% khiến thị trường rơi vào tình trạng thừa tải nghiêm trọng.
Trong khi đó, sản lượng khách nội địa tăng 13,5%, thấp hơn 4% so với tăng trưởng tải. Điều này dẫn tới giá vé trung bình giảm 7%. Lượng khách tăng thêm đa phần ở phân khúc giá rẻ, chuyển từ đường sắt và đường bộ sang.
Cộng hưởng những yếu tố kể trên, kết quả kinh doanh năm 2019 của Vietnam Airlines "hụt hơi" và chỉ đạt 95,9% kế hoạch doanh thu và 94,7% kế hoạch lợi nhuận.
Không chi trả cổ tức năm 2019
Vietnam Airlines dự kiến trình việc không chia cổ tức năm 2019 cho cổ đông. Công ty cho biết có 2 nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không chi trả cổ tức năm 2019. Thứ nhất, do dòng tiền rơi vào tình trạng thâm hụt ngay từ đầu tháng 2 khiến công ty không có nguồn tiền để trả cổ tức. Việc không chi trả cổ tức nhằm đảm bảo dòng tiền và cân đối tài chính cho hoạt động kinh doanh năm 2020 và các năm tiếp theo.
Thứ 2, công ty đang đàm phán với Tổ chức tín dụng xuất khẩu châu Âu và các ngân hàng trong và ngoài nước để gia hạn và giãn tiến độ thanh toán. Một trong những điều kiện tiên quyết để cho phép Vietnam Airlines giãn nợ là không chia cổ tức cho cổ đông.