Vinamilk chốt quyền chia cổ tức 11% bằng tiền mặt

20/05/2021 14:01 GMT+7
Với khối lượng gần 2,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk sẽ phải chi khoảng 2.300 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông đợt này.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) thông báo, ngày 8/6 tới, doanh nghiệp sẽ chốt quyền tạm ứng cổ tức còn lại của năm 2020. 

Cụ thể, cổ tức được trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 11%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.100 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 30/6/2021.

Với khối lượng gần 2,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk sẽ phải chi khoảng 2.300 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông đợt này.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến cuối quý 1, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với tỷ lệ sở hữu 36%, F&N Dairy Investments PTE.Ltd nắm 17,69% sẽ nhận về lần lượt 828 tỷ đồng và 407 tỷ đồng tiền cổ tức.

Năm 2020, tổng tỷ lệ cổ tức Vinamilk dự kiến chia là 41%, ít hơn năm trước đó 4%. Vinamilk đã tạm ứng hai đợt cổ tức với tỷ lệ lần lượt là 20% và 10% tiền mặt.

Vinamilk chốt quyền chia cổ tức 11% bằng tiền mặt - Ảnh 1.

Vinamilk chốt quyền chia cổ tức 11% bằng tiền mặt

Sang năm 2021, tỷ lệ cổ tức Vinamilk dự kiến chia tối thiểu là 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất, trong đó đợt 1 dự kiến thanh toán vào 30/9 với tỷ lệ 15% tiền mặt, đợt 2 sẽ thanh toán vào 25/2 năm sau với tỷ lệ 14% tiền mặt. Đợt còn lại sẽ được ĐHĐCĐ thường niên 2022 quyết định.

Về kế hoạch kinh doanh, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 đạt 62.160 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 11.240 tỷ đồng. Trong khi doanh thu kỳ vọng tăng 4% so với cùng kỳ, lợi nhuận ước đạt của Vinamilk đi ngang so với thực hiện năm trước.

Chốt phiên giao dịch ngày 19/5, Cổ phiếu VNM giao dịch ở vùng giá 87.000 đồng/cp, giảm 22% trong vòng 3 tháng qua và chạm đáy 1 năm.

Cổ phiếu Vinamilk giảm trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý I đi lùi quý thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, Kết thúc quý I/2021, Vinamilk ghi nhận doanh thu đạt 13.190 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.600 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 7% và 6,5% so với cùng giai đoạn năm 2020.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua giảm nhưng chi phí liên quan đến các nguyên liệu chính như bột sữa, đường tăng lên đáng kể từ cuối năm 2020.


Q.D
Cùng chuyên mục