Vinamilk: Lợi nhuận "hụt hơi" quý IV, vay nợ tăng trên 4 lần

31/01/2020 16:26 GMT+7
Báo cáo tài chính của Vinamilk của bà Mai Kiều Liên cho thấy, trong quý IV/2019, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk "hụt hơi" khi giảm 108 tỷ đồng so với cùng kỳ, bao gồm khoản lỗ phải “gánh” từ GTNFoods.

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) của bà Mai Kiều Liên vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019.

"Gánh" thêm lỗ từ GTNFoods, lợi nhuận của Vinamilk hụt hơi trong quý

Theo đó, doanh thu thuần quý này của VNM đạt 14.239 tỷ đồng, tăng trưởng 9,5% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận gộp cũng cải thiện 8,4% lên 6.680 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi gộp gần 47%.

Do các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lí doanh nghiệp cùng tăng mạnh, trong khi thu nhập từ hoạt động khác giảm 68 tỷ đồng nên lãi sau thuế của Vinamilk trong quý IV giảm 108 tỷ đồng (tương ứng giảm 4,7%) so với cùng kì năm trước, xuống còn 2.176 tỷ đồng.  Lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ cũng giảm 4,3% xuống 2.202 tỷ đồng.

Vinamilk: Lợi nhuận "hụt hơi" quý IV, vay nợ tăng trên 4 lần   - Ảnh 1.

Đáng chú ý, trong quý này, thông qua nhiều giao dịch, Vinamilk đã chi tổng cộng 1.969 tỷ đồng để nâng tỷ lệ nắm giữ 75% cổ phần của GTNFoods, qua đó gián tiếp nắm quyền kiểm soát với Sữa Mộc Châu. Tổng giá trị giao dịch mua là 3.480 tỷ đồng bao gồm giá mua trực tiếp bằng tiền, phí giao dịch và lợi nhuận được chia từ GTNFoods khi còn là công ty liên kết.

Cụ thể, lợi nhuận được chia từ GTNFoods khi còn là công ty liên kết là gần 13 tỷ và khoàn tiền thu được 1.289 tỷ đồng. Như vậy, khoản tiền thuần Vinamilk đã chi ra là hơn 2.158 tỷ để hoàn tất thương vụ này.

"Doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp được mua đóng góp vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Vinamilk từ ngày được mua đến 31/12/2019 được xác định là không đáng kể", báo cáo tài chính của Vinamilk đề cập.

Được biết, GTNFoods báo lỗ sau thuế hơn 51 tỷ đồng trong quý IV/2019, kéo theo đó là khoản lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 69 tỷ đồng. Khoản lỗ này cũng là một phần nguyên nhân khiến cho lợi nhuận của Vinamilk quý IV "bốc hơi" hơn 100 tỷ đồng.

Vay nợ gấp hơn 4 lần, lãi hơn 29 tỷ mỗi ngày

Lũy kế cả năm 2019, Vinamilk vẫn ghi nhận doanh thu thuần 56.318 tỷ đồng và lãi sau thuế 10.554 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,1% và 3,4% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế năm vừa qua đạt 12.796 tỷ đồng. Thực tế VNM hoàn thành 100,6% kế hoạch doanh thu và 114,3% kế hoạch lợi nhuận. Bình quân, mỗi ngày VNM thu về 156 tỷ doanh thu và hơn 29 tỷ đồng tiền lãi.

Phân tích theo khu vực địa lí, các khách hàng trong nước đóng góp 84,4% doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của Vinamilk trong năm 2019; thị trường nước ngoài đóng góp hơn 15% còn lại.

Vinamilk: Lợi nhuận "hụt hơi" quý IV, vay nợ tăng trên 4 lần   - Ảnh 2.

Trong năm 2019 Vinamilk đã chi gần 3.450 tỷ đồng để trả cổ tức cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – cổ đông lớn nhất sở hữu 36% vốn của Vinamilk.

Tới cuối năm 2019, tổng tài sản của Công ty tăng gần 20% so với đầu năm, đạt gần 44.700 tỷ đồng. Hai khoản mục biến động nổi bật so với đầu năm của Vinamilk là tiền và tương đương tiền (tăng 75% so với đầu năm, ghi nhận 2.665 tỷ đồng) và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (tăng hơn 50%, ghi nhận 12.435 tỷ đồng).

Tổng cộng, Vinamilk đang nắm giữ 15.100 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, tăng 4.900 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Bên cạnh đó công ty còn có 200 tỷ đồng tiền gửi trên 1 năm. Trong đó, các khoản tiền gửi ngắn hạn có lãi suất từ 7,1% đến 8,6%/năm.

Về nguồn vốn, vay nợ ngắn hạn VNM tại thời điểm cuối năm 2019 ở mức 5.351 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với đầu năm. Nếu tính cả vay dài hạn, nợ vay của VNM tăng trên 4 lần so với đầu năm.

Việc gia tăng vay nợ ngắn hạn đã kéo chi phí tài chính của Vinamilk tăng mạnh trong năm. Đặc biệt, chi phí lãi vay gấp hơn 2 lần năm trước, ở mức gần 109 tỷ đồng, chiếm hơn nửa chi phí tài chính trong năm 2019.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục