Vinatex: 'Đơn hàng xuất khẩu mới gần như không có'

20/04/2020 06:15 GMT+7
Vinatex cho biết dịch Covid-19 không tác động nhiều đến kết quả kinh doanh quý I. Tuy nhiên đến quý II, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm mạnh, gần như không có.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết doanh thu quý I chưa bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19. Điểm sáng là doanh thu nội địa tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mảng xuất khẩu sụt giảm nên tổng doanh thu giảm 7%, đạt 20% kế hoạch năm.

Tính đến ngày 15/4, Vinatex đã cung ứng khoảng 80 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn cho thị trường trong nước. Sản phẩm này giúp tập đoàn giải quyết việc làm cho 20% lao động thiếu việc.

Vinatex: 'Đơn hàng xuất khẩu mới gần như không có' - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quý I/2020 của Vinatex chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Ảnh: Vinatex.

Vừa qua, doanh nghiệp cũng đưa ra thị trường khẩu trang vải 3 lớp chống giọt bắn, kháng khuẩn đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Hiện sản phẩm này được xúc tiến xuất khẩu sang một số quốc gia châu Âu và Mỹ như Cộng hòa Séc, Hungary, Canada, Mỹ nhằm bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt.

Tuy nhiên, Vinatex cho rằng xuất khẩu sang châu Âu hay Mỹ cần các tiêu chuẩn như CE hay FDA, do đó cần căn cứ tình hình thực tế để quyết định vì thủ tục lấy các chứng nhận trên sẽ tốn thêm chi phí và có độ trễ về thời gian.

Cũng theo Vinatex, lượng đơn hàng xuất khẩu mới hiện giảm mạnh, gần như không có. Trong khi đó, đơn hàng đã đặt liên tục bị hoãn, chủ yếu là thời trang xuân - hè. Dự kiến sau khi dịch qua đi, thời tiết đã sang thu, do đó tập đoàn dự báo những đơn hàng này sẽ buộc phải hủy, hoặc thời gian kéo dài hợp đồng cũng lên đến 3-6 tháng.

Tại Bangladesh, một trong những đối thủ của dệt may Việt Nam, trị giá đơn hàng hoãn, hủy đến cuối tháng 3 đã lên đến gần 3 tỷ USD, ảnh hưởng đến 2 triệu lao động nước này.

Theo khảo sát mới nhất của Liên minh các nhà sản xuất dệt may quốc tế, doanh số các đơn hàng dệt may trên thế giới năm 2020 ước tính giảm 29% so với năm ngoái. Chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp không thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chi phí gia tăng.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp dệt may vẫn là dòng tiền. Dòng tiền nằm ở hàng hóa, nên khi quá trình lưu thông hàng hóa bị dừng, doanh nghiệp trở nên thiếu hụt dòng tiền.

Lan Anh/Zing
Cùng chuyên mục