“Thật đáng kinh ngạc nhưng không thể làm gì hơn” - anh Chanapan Kaewklachaiyawut bày tỏ cảm xúc khi các tour du lịch của người Trung Quốc đến Thái Lan giảm mạnh vì dịch virus Corona.
Trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong vì virus Corona ngày một gia tăng, nhiều chuyến bay cất cánh hoặc hạ cánh tại thành phố Vũ Hán đã bị hủy bỏ, hàng chục triệu người Trung Quốc tại nhiều thành phố, thị trấn bị cách ly để kiềm chế dịch bệnh lan rộng. Chính phủ Bắc Kinh thậm chí còn hạn chế du khách Trung Quốc đi du lịch nội địa và quốc tế theo nhóm. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu hạn chế hoặc kiểm soát gắt gao với khách du lịch đến từ Trung Quốc.
Singapore là quốc gia đầu tiên tuyên bố không nhận du khách đến từ tỉnh Hồ Bắc (nơi có thành phố Vũ Hán) mà không cần thị thực. Nước này mới đây đã xác nhận hai trường hợp nhiễm virus Corona mới. Một số quốc gia khác cũng đang cân nhắc những động thái tương tự.
Các chuyên gia kinh tế quan ngại dịch virus Corona sẽ gây ra những làn sóng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Châu Á, đặc biệt là ngành du lịch. Những dấu hiệu đầu tiên của làn sóng này đã xuất hiện tại một số quốc gia Châu Á, nơi ngành công nghiệp du lịch được thúc đẩy bởi nhu cầu du lịch nước ngoài bùng nổ của du khách Trung Quốc.
Theo dữ liệu chính thức được Bắc Kinh công bố, có tới 134 triệu du khách Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài vào năm 2019, tăng 4,5% so với năm 2018. Trước khi dịch bệnh virus Corona bùng phát vào cuối tháng 12/2019, Viện nghiên cứu du lịch nước ngoài Trung Quốc dự đoán khoảng 7 triệu người Trung Quốc sẽ xuất ngoại du lịch trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, tăng từ con số 6,3 triệu người năm 2019.
Dư chấn từ dịch virus Corona với nền kinh tế toàn cầu giờ đây chắc chắn sẽ mạnh hơn nhiều so với hồi dịch SARS năm 2003, bởi lẽ khi đó, Trung Quốc chỉ chiếm 4,3% sản lượng kinh tế thế giới. Sau gần 2 thập kỷ, kinh tế Trung Quốc năm 2019 đã chiếm tới 16,3% sản lượng kinh tế thế giới, vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Ngành du lịch hiện chiếm 18% tổng quy mô GDP của Thái Lan, trong đó khách du lịch Trung Quốc chiếm tới hơn 25% lượng khách du lịch đặc chân tới đất nước chùa Vàng. Năm ngoái, thống kê từ Cục Hải quan nước này cho thấy gần 11 triệu lượt du khách Trung Quốc đã ghé thăm Thái Lan. Giờ đây, khi dịch virus Corona lan rộng và du khách Trung Quốc hạn chế du lịch, ngành công nghiệp du lịch của Thái Lan chắc chắn chịu ảnh hưởng nặng nề.
Cho đến nay, Thái Lan đã xác nhận 14 trường hợp nhiễm virus Corona, nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc đại lục - nơi virus xuất hiện và bùng phát. Bộ trường du lịch Thái Lan đã cảnh báo một cuộc khủng hoảng trong ngành du lịch với quy mô thiệt hại tương tự như dịch SARS năm 2003, có thể lên tới 1,6 tỷ USD. “Hiện hơn 100 du khách từ Vũ Hán, Trung Quốc vẫn đang lưu trú tại Chiang Mai và chúng ta không biết họ ở đâu. Chính phủ Thái Lan cần khẩn trương xác định những người này” - người dân địa phương bày tỏ quan ngại.
Không chỉ du khách Trung Quốc, du khách các quốc gia khác cũng quyết định không chọn Thái Lan làm điểm đặt chân sau khi nhận được tin tức Thái Lan là đất nước có số trường hợp nhiễm virus Corona lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Bangorn Jansantea, chủ sở hữu của Tập đoàn Du lịch Sayama có trụ sở tại Pattaya cho hay có tới 1/3 số lượng phòng đặt trước đã bị hủy vì dịch virus Corona. Ông này thậm chí quan ngại tình hình sẽ không lạc quan trở lại cho đến lễ hội Songkran truyền thống vào tháng 4.
“Cuộc khủng hoảng này là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài khoảng 3 tháng nữa, nhiều công ty lữ hành sẽ đóng cửa. Chúng tôi cầu nguyện cho Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát được tình hình bệnh dịch và không xuất hiện thêm ca nhiễm virus nào tại Thái Lan."
Nhật Bản cũng là quốc gia mà số lượng du khách Trung Quốc đã tăng vọt từ 450.000 người trong năm 2003 lên 8,4 triệu người năm 2008, chiếm 27% tổng lượng khách du lịch đến nội địa. Du khách nước ngoài đã chi khoảng 4,81 nghìn tỷ JPY (44,14 tỷ USD) tại Nhật Bản trong năm 2019, trong đó du khách Trung Quốc chiếm tới 36,8% trong tổng số. Trung bình, du khách từ Trung Quốc đại lục chi nhiều hơn 210.000 JPY so với du khách từ các quốc gia Châu Á khác khi đến thăm Nhật Bản.
Việc hạn chế khách du lịch Trung Quốc đồng nghĩa với việc Nhật Bản gần như chắc chắn không bắt kịp mục tiêu thu hút 40 triệu lượt du khách nước ngoài năm 2020 mà Chính phủ nước này đặt ra.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura hôm 28/1 thậm chí còn đưa ra cảnh báo lợi nhuận các công ty và nhà máy Nhật Bản cũng có thể bị ảnh hưởng bởi dịch virus Corona, do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu của thị trường Trung Quốc có thể sụt giảm. “Nếu Trung Quốc mất nhiều thời gian để kiểm soát tình trạng virus Corona, chúng tôi quan ngại rằng nó có thể gây ra ảnh hưởng đến xuất khẩu, sản lượng và lợi nhuận của các công ty Nhật bản thông qua lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc”.
Tại Singapore, quốc gia năm ngoái vừa chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất trong một thập kỷ, chính phủ nước này đã cảnh báo tình hình kinh tế có thể tồi tệ hơn vì những tác động từ dịch virus Corona. Bộ trưởng Thương mại Chan Chun Sing tiết lộ chính phủ thậm chí đã xem xét tới các biện pháp giảm thuế tài sản, thuế thu nhập công nhân, người lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch để hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trước các tác động tiêu cực như vậy.
Cũng như Nhật Bản và Thái Lan, công dân Trung Quốc chiếm tỷ trọng gần như lớn nhất trong tổng số lượng khách du lịch đến thăm Singapore hàng năm. Nhiều người Singapore có gia đình và thân nhân tại Trung Quốc, nên việc di chuyển qua lại giữa Singapore và Trung Quốc là khá thường xuyên. Hồi năm 2003, khi dịch SARS hoàng hành, Singapore cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trái ngược với Nhật Bản, Singapore và Thái Lan, nhiều quốc gia như Indonesia hay Malaysia lại tỏ ra khá lạc quan về tình hình ngành du lịch, bất chấp cơn sốt dịch virus Corona. Giới chức Indonesia vẫn đặt những mục tiêu tăng trưởng du lịch đầy tham vọng. Bộ trưởng du lịch Wishnutama cho biết từ Jakarta, rằng dịch virus Corona “sẽ ảnh hưởng tới lượng du khách nước ngoài nhưng không ảnh hưởng nhiều đến bức tranh tổng thể. Chúng tôi có những nguồn khách du lịch bền vững tiềm năng khác từ Mỹ và các nước Châu Âu. Không thể chỉ dựa vào khách du lịch từ một quốc gia”.
Hồi tháng 11/2019, Indonesia đã đón 1,29 triệu lượt du khách nước ngoài, 11,4% trong số đó đến từ Trung Quốc.
Cũng như Indonesia, Malaysia không sửa đổi các mục tiêu tăng trưởng du lịch được đặt ra trong năm 2020. Bộ trưởng du lịch Malaysia, ông Mohammedadin Ketapi khẳng định mục tiêu tăng trưởng của ngành du lịch vẫn là 30 triệu lượt khách nước ngoài trong năm 2020, và bất cứ sự giảm tốc nào gây ra bởi các sự kiện tại Trung Quốc cũng có thể được bù đắp bởi các quốc gia khác. “Nếu có những tác động nào, có lẽ nó sẽ đến từ Vũ Hán. Nhưng các thị trường tiềm năng như Australia hay Anh thì vẫn còn đó. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng vẫn như cũ”.