Vốn FDI vào bất động sản giảm mạnh
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20.6, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 18,47 tỉ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới chỉ đạt 7,41 tỉ USD, bằng 62,8% so với cùng kỳ năm 2018. Lượng vốn FDI đăng ký cấp mới năm nay giảm do trong cùng kỳ năm trước đã có nhiều dự án lớn như dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội - Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,14 tỉ USD; dự án nhà máy sản xuất Poplypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng - Hàn Quốc đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,2 tỉ USD tại Bà Rịa-Vũng Tàu...
Riêng vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,12 tỉ USD, tăng đến 98,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký. Đồng thời, số vốn FDI được giải ngân trong 6 tháng đầu năm nay cũng tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước khi ước đạt 9,1 tỉ USD.
Xét về lĩnh vực đầu tư, dẫn đầu vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 13,15 tỉ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,32 tỉ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nếu so với cùng kỳ năm trước số vốn FDI rót vào mảng kinh doanh bất động sản đạt 5,54 tỉ USD thì nguồn vốn năm nay giảm mạnh, chỉ còn bằng 23,8%.
Theo đối tác đầu tư, đã có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỉ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,73 tỉ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỉ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư.
Tính chung Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) đang dẫn đầu vốn đầu tư tại Việt Nam từ đầu năm đến nay là 7,59 tỉ USD.