"Vua cá tra" một thời Agifish (AGF) lên kế hoạch lãi 5 tỷ đồng trong năm 2023

10/04/2023 17:01 GMT+7
Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish, UPCoM: AGF) vừa tiết lộ kế hoạch kinh doanh 2023 tại Báo cáo thường niên 2022.

Theo đó, Agifish dự kiến sản lượng xuất khẩu đạt 4.950 tỷ đồng, tăng gấp gần 6 lần so với thực hiện năm 2022 (840 tấn); sản lượng tiêu thu nội địa, với hàng fillet đạt 2.600 tấn, hàng chế biến GTGT đạt 1.400 tấn.

Công ty dự kiến tổng doanh thu đạt 550 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 5 tỷ đồng.

Khó khăn chồng khó khăn

Agifish cho biết, trong năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đều được thực hiện theo chủ trương của Hội đồng quản trị và Công ty mẹ là tập đoàn Hùng Vương; Hội đồng quản trị đã đề ra nhiều giải pháp đưa Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn như: các giải pháp giảm giá thành sản xuất từ khâu nguyên liệu cho đến chế biến và xuất khẩu để ổn định doanh thu, lợi nhuận và thu nhập cho người lao động.

Nhưng do thiếu nguồn vốn, Công ty không tự chủ được nguồn nguyên liệu sản xuất, không đáp ứng được các đơn hàng theo yêu cầu khách hàng, hệ quả là khách hàng ngày càng bị thu hẹp; Sản xuất không đủ sản lượng để hạ giá thành, dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp so với các đơn vị khác.

Một số thị trường xuất khẩu ở Châu Á, như Trung Quốc, HongKong... bị ảnh hưởng do biến động chính trị và chính sách phòng chống dịch Covid-19 từ Trung Quốc, lại tập trung nhiều doanh nghiệp chọn là thị trường chính, bên cạnh đó còn có các đơn vị nhỏ hợp tác cùng các doanh nghiệp Trung Quốc gia công ở Việt Nam mang về Trung quốc tiêu thụ làm cho giá bán tại thị trường này không thể tăng kịp tốc độ tăng chi phí sản xuất như tiền lương, chế độ chính sách người lao động, các chi phí đầu vào dẫn đến kết quả kinh doanh khó đạt kết quả tốt.

Công ty chủ yếu xuất khẩu vào các thị trường Châu Âu, Úc, Châu Á, Trung Đông... Đây là những thị trường có mức lợi nhuận cao. Tuy nhiên, quy định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của những thị trường này khá khắt khe. Công ty phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn nhất định và những tiêu chuẩn này thường xuyên thay đổi theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn.

"Vua cá tra" một thời Agifish (AGF) lên kế hoạch lãi 5 tỷ đồng trong năm 2023 - Ảnh 1.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu của AGF năm 2022

Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ người nuôi trồng thủy sản tại các nước nhập khẩu dẫn tới các vụ kiện chống bán phá giá cũng là một trong những yếu tố làm thu hẹp thị trường xuất khẩu, qua đó, làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh.

Tổng hợp từ những nguyên nhân trên dẫn đến doanh thu xuất khẩu giảm mạnh, các nhà máy hoạt động không đủ công suất đẩy giá thành tăng cao, lợi nhuận không đủ bù vào chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp làm cho hoạt động trong năm 2022 của Công ty lỗ hơn 19 tỷ đồng.

Từ kết quả kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm (đã âm vốn chủ sở hữu), các tổ chức tín dụng hạ thấp hạn mức vay của Công ty (lại giảm dần hạn mức vay từ 5-10%). Từ đó làm cho nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh thiếu hụt, nguồn vốn dành cho nuôi trồng không có, chỉ đáp ứng cầm chừng trong việc nuôi để duy trì tiêu chuẩn cho các vùng nuôi, trong khi vùng nuôi có thể đáp ứng được khoảng 70% sản lượng nguyên liệu cho sản xuất vì thế phải cho thuê các vùng nuôi trọng điểm có hiệu quả.

Mặt khác, việc thiếu nguồn vốn là nguyên nhân bỏ lỡ thời cơ cho những đơn hàng có hiệu quả cao do không đủ nguyên liệu sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. 

Thiếu nguồn vốn, việc đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị phục vụ sản xuất không thể thực hiện trong khi hệ thống máy móc thiết bị của các nhà máy đã cũ kỹ, năng suất không cao dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp ảnh hưởng đến doanh thu gia công, không đạt hiệu quả như kế hoạch.

Công ty nhận định, trong năm 2023, đại dịch covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ở Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước nới chung và Công ty nói riêng, nhất là thị trường chủ lực ở Châu Á. Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẩn còn kéo dài ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, nguồn cung lương thực và nhiên liệu bị thiếu hụt, ảnh hưởng trực tiếp đến đười sống người dân Châu Âu làm cho sức mua của người dân suy giảm.

Trước khi lâm vào tình trạng trên, giai đoạn đầu những năm 2000, Agifish từng được xem là biểu tượng thành công của địa phương, là một trong những doanh nghiệp thủy sản hàng đầu của Việt Nam.

Không chỉ ghi nhận dấu ấn ở chế biến xuất khẩu cá tra và cá basa, AGF còn là doanh nghiệp đi đầu trong các hoạt động nuôi trồng, nghiên cứu phát triển nguồn giống cung cấp, phục vụ nhu cầu của vùng nguyên liệu. Năm 2011, Agifish được Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chứng nhận là doanh nghiệp nằm trong top 3 xuất khẩu cá tra.

Đà suy giảm của Agifish bắt đầu từ năm 2017 khi bất ngờ báo lỗ 187 tỷ đồng rồi tiếp tục thua lỗ các năm sau đó, dẫn tới lỗ lũy kế 866,6 tỷ đồng vào cuối năm 2022 như đã nêu trên.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/4, AGF đứng ở tham chiếu 2.500 đồng/cp.


An Vũ
Cùng chuyên mục