WB: Lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát

17/02/2022 15:40 GMT+7
WB cho rằng giá năng lượng tăng tiếp tục là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát trong khi giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định giúp cho lạm phát trong tầm kiểm soát.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 2 của Việt Nam vừa công bố, WB nhận định lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. 

WB: Lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát - Ảnh 1.

WB cho rằng giá năng lượng tăng tiếp tục là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát trong khi giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định giúp cho lạm phát trong tầm kiểm soát. Ảnh minh họa.

WB lý giải chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước, tương đương với tỷ lệ được ghi nhận cuối năm 2021.

Giá tiêu dùng tăng chủ yếu do tăng giá năng lượng, đẩy chi phí nhóm nhà ở và giao thông tăng lên. Giá lương thực, thực phẩm vẫn tương đổi ổn định trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý) tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước.

"Giá năng lượng tăng tiếp tục là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát trong khi giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định giúp cho lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát", báo cáo của WB chỉ ra.

Trước đó, HSBC cũng đưa ra nhận định lạm phát nhiều khả năng không phải mối lo lớn với Việt Nam trong năm nay. Điều này hoàn toàn trái ngược với tình hình lạm phát ở nhiều nước ASEAN khác như Thái Lan hoặc Singapore.

HSBC cho rằng trên thực tế, lạm phát nhiên liệu vẫn tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu tháng 1 lên 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, giá lương thực thực phẩm vẫn ổn định trong bối cảnh sức cầu chưa tăng. Vì vậy, HSBC điều chỉnh dự báo lạm phát của Việt Nam nay tăng ở mức 3% thay vì 2,7% như trước đó. Con số này cũng không cho thấy một rủi ro đáng kể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ.

Cũng trong báo cáo lần này, WB còn cho rằng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội mới giai đoạn 2022-2023 được khởi động trong tháng 1 vừa qua chưa tác động nhiều đến tăng trưởng năm nay.

Trong chương trình này, tổng quy mô các biện pháp tài khóa trong phạm vi ngân sách tương đương khoảng 4,5% GDP đánh giá lại. Về thu ngân sách, biện pháp gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất tiếp tục được sử dụng, phản ánh thành công đã đạt được kể từ đầu khủng hoảng của công cụ chính sách tài khóa này.

Bên cạnh đó, thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống 8% ở hầu hết các lĩnh vực, tương đương giảm thu từ VAT khoảng 0,6% GDP đánh giá lại.

Trong khi đó, các biện pháp về thu ngân sách đều sẽ được triển khai trong năm nay. Trong đó, biện pháp về chi ngân sách (2,2% GDP đánh giá lại) chủ yếu được thực hiện thông qua đầu tư công và hỗ trợ lãi suất.

Đầu tư công (1,6% GDP đánh giá lại) bao gồm đẩy nhanh các dự án giao thông đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và những dự án mới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo xã hội, việc làm, chuyển đổi số, du lịch và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, phần lớn các hoạt động đầu tư mới trên sẽ được triển khai vào năm 2023, vì vậy có thể chưa tác động nhiều đến tăng trưởng trong năm 2022.

Ngoài ra, WB cho rằng việc hỗ trợ bằng tiền cho người lao động vẫn ở mức không đáng kể (khoảng 0,1% GDP đánh giá lại) và được thiết kế dưới hình thức ưu đãi nhỏ.

Nhằm đảm bảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, Wb khuyến nghị công tác triển khai cần được theo dõi chặt chẽ.

Ngọc Hà
Cùng chuyên mục