Xuất khẩu hồ tiêu gặp khó trước chính sách 'Zero COVID' của Trung Quốc
Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 4 năm
Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm 2021 đạt thấp nhất 4 năm trở lại đây với 38.259 tấn, giảm mạnh 31,7% so với năm 2020.
Tính riêng trong quý IV/2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1.522 tấn (trong tháng 10 Trung Quốc chỉ mua 546 tấn, tháng 11 mua 463 tấn, tháng 12 mua 513 tấn), giảm đến 90,3% so với quý IV/2020 và giảm 58,6% so với quý IV/2019.
Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình hơn 4.000 tấn/tháng mà các doanh nghiệp đã xuất khẩu sang Trung Quốc trước đó.
Tình hình xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc trong tháng đầu tiên của năm 2022 cũng không mấy khả quan khi chỉ đạt 289 tấn trong 15 ngày đầu tháng.
Theo VPA, chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã tác động không nhỏ tới thị trường hồ tiêu của Việt Nam khi 90% lượng hồ tiêu của nước ta xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Việc tắc nghẽn ở các cửa khẩu, thắt chặt việc đi lại tại thị trường nội địa Trung Quốc khi phát hiện ca dương tính sẽ làm cho việc tiêu thụ hồ tiêu của Trung Quốc giảm xuống.
Tổng hợp từ số liệu của VPA. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Theo tìm hiểu của người viết, các đơn vị xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc qua các tuyến biên giới đất liền các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Trong đó cửa khẩu Chi Ma – Lạng Sơn là điểm thông quan lớn nhất, chiếm khoảng 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng giống như mặt hàng rau quả và thủy sản, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã sụt giảm mạnh sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Việc Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero COVID-19, lúc mở, lúc đóng biên giới, cửa khẩu và siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là hình thức buôn bán biên mậu đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Trong đó hồ tiêu cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi mặt hàng này chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Ngoài chính sách nói không với dịch COVID-19, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe với hàng loạt quy định mới về các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Những thay đổi này có thể sẽ gây ra nhiều khó khăn cho xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian tới.
Theo dự báo của Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn được hưởng lợi về giá do nguồn cung hạn chế.
Tuy nhiên, thời điểm đầu năm, ngành hồ tiêu Việt Nam đối mặt với khó khăn do phía Trung Quốc tạm dừng hoạt động thông quan. Nhưng khi mở cửa trở lại, phía Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng mạnh nhập khẩu để bù đắp cho thời gian bị gián đoạn.
Nhu cầu nhập khẩu của thị trường yếu
Bên cạnh việc gặp khó khăn trong thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc trong năm qua cũng không cao như năm trước.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hồ tiêu của của nước này trong năm 2021 giảm mạnh 38,2% so với năm 2020, chỉ đạt 13.639 tấn.
Trong đó, các thị trường cung cấp hồ tiêu chính cho Trung Quốc là Indonesia 7.072 tấn, Việt Nam 4.467 tấn, Brazil 683 tấn, Malaysia 765 tấn…
Tuy nhiên, lượng hồ tiêu mà Trung Quốc đã nhập khẩu từ các thị trường trên đã giảm mạnh từ 37 – 47% so với năm 2020.
Số liệu mà Hải quan Trung Quốc công bố thấp hơn đáng kể so với số liệu mà Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thống kê bởi phần lớn hồ tiêu Việt Nam xuất sang Trung Quốc bằng đường biên mậu, nên thường không được ngành Hải Quan báo cáo, theo dõi.
5 nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất vào Trung Quốc năm 2020-2021, ĐVT: tấn. (Số liệu từ Hải quan Trung Quốc. Biểu đồ: Hoàng Hiệp)