Xuất khẩu hoa quả trong tháng 4 đạt 1,4 tỉ USD
Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao
Trong quý I/2019, xuất khẩu rau quả bị tăng trưởng âm. Tuy nhiên, nhờ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh trong tháng 4 nên 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả đã tăng trưởng dương và mở ra triển vọng tăng trưởng tốt trong những tháng tới.
Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả ước đạt 1,409 tỷ USD, ước tăng 7,03% so với cùng kỳ 2018.
Cũng trong 4 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu rau quả của nước ta ước đạt 648,795 triệu USD. Tính ra, trong 4 tháng qua, ước xuất siêu rau quả là 760,316 triệu USD.
Như vậy, sau quý I bị tăng trưởng âm (đạt 680,047 triệu USD, giảm 6,3% so cùng kỳ), nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của tháng 4, mà xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm đã tăng trưởng dương. Thực ra, sự tăng trưởng mạnh đã bắt đầu từ tháng 3 khi đạt 364,599 triệu USD tăng tới 57,4 % so với tháng 2/2019 và tăng 37% so với tháng 3/2018. 2 tháng tăng trưởng mạnh liên tiếp đã giúp cho xuất khẩu rau quả khởi sắc trở lại sau khi liên tiếp bị sụt giảm từ tháng 12 năm ngoái tới tháng 1 và 2 của năm nay.
Theo một số doanh nhân ngành rau quả, sau một thời gian gặp khó khăn về xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc do phải thực hiện những quy định mới của nước này về truy xuất nguồn gốc, đến thời điểm này, nhìn chung xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đã bắt đầu ổn định trở lại.
10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất trong quý I
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất với 680,047 triệu USD, chiếm 71,67% thị phần. Tiếp đến là thị trường Mỹ, đạt 31,745 triệu USD, chiếm 3,35%; thứ 3 là Hàn Quốc với 31,27 triệu USD, chiếm 3,3%. Từ thứ 4 đến thứ 10 lần lượt là Nhật Bản (đạt 28,241 triệu USD, chiếm 2,98%); Hà Lan (16,677 triệu USD, chiếm 1,76%); Thái Lan (12,359 triệu USD, chiếm 1,3%); UAE (10,496 triệu USD, chiếm 1,11%); Úc (9,534 triệu USD, chiếm 1%), Malaysia (8,418 triệu USD, chiếm 0,89%); Đài Loan (7,753 triệu USD, chiếm 0,82%).