Xuất khẩu rau quả: Cách nào để tăng trưởng bền vững?
Bước sang quý II/2019, xuất khẩu (XK) rau quả Việt Nam ghi nhận sự khởi sắc rõ rệt so với những tháng đầu năm. Tuy nhiên, với không ít khó khăn, đặc biệt tại thị trường chủ lực Trung Quốc, việc đảm bảo duy trì tăng trưởng XK rau quả bền vững không đơn giản.
Đảo chiều
Trải qua gần nửa năm, XK rau quả đã có những biến chuyển rõ rệt theo chiều hướng dần tích cực. Nếu như 3 tháng đầu năm, tổng giá trị XK rau quả chỉ đạt 879 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2018 thì tính đến hết tháng 5, tình hình đã đảo chiều.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), XK rau quả 5 tháng đầu năm ước đạt 1,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với 74,26% thị phần; tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm 3,16%; Hàn Quốc chiếm 3,03%; Nhật Bản chiếm 2,53%...
Đáng chú ý, các thị trường có giá trị XK rau quả tăng mạnh là Australia tăng 39,9%; Hà Lan tăng 29,22%; Hàn Quốc tăng 25,53% và Pháp tăng 24,81%.
Xoài chính thức trở thành loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam XK sang thị trường Hoa Kỳ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long.
Gần đây, XK rau quả Việt đón nhận những thông tin khá khả quan. Điển hình có thể kể đến ngày 18/4, lô xoài đầu tiên của Việt Nam đã XK sang thị trường Hoa Kỳ với khối lượng 8 tấn. Xoài chính thức trở thành loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam XK sang thị trường Hoa Kỳ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long. Đây là kết quả của quá trình đàm phán gian nan suốt 10 năm. Quả xoài muốn XK phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe của đối tác như hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng gây hại, truy xuất nguồn gốc, chiếu xạ…
Mở cửa thị trường Hoa Kỳ đã tạo thêm cơ hội không nhỏ cho xoài Việt sau khi mặt hàng này đã được XK tới hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Với riêng thị trường Trung Quốc, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin thêm: Cuối tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã cấp phép NK măng cụt của Việt Nam. Đây là loại trái cây thứ 9 được XK chính ngạch vào thị trường này (sau thanh long, vải, dưa hấu, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm).
Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, giá trị NK rau quả của thị trường Trung Quốc đã tăng lên 3,1 tỷ USD, vượt 26% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó tăng nhanh nhất là măng cụt (tăng 600%). Dự báo, năm 2019 thị trường Trung Quốc sẽ NK trái cây với giá trị vượt 10 tỷ USD.
Đổi thay để đáp ứng yêu cầu
Bên cạnh những tín hiệu khả quan, nhìn nhận tổng thể câu chuyện XK rau quả của Việt Nam còn không ít điểm đáng lo ngại, đặc biệt là những khó khăn đặt ra từ thị trường Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản-Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Thời gian qua, phía Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt quy định đối với nông sản Việt Nam khi XK vào thị trường này. Hiện, trái cây XK sang Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm; đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; phải đăng ký mã số vùng, địa danh của nông sản với Hải quan Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các đơn vị NK phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc kèm theo nhãn mác; sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại…
Đáng chú ý, Trung Quốc đã có một số thay đổi trong giám sát XNK hoa quả vào nước này. Cụ thể, từ ngày 1/10/2019, thực phẩm NK vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước XK cấp cho các lô hàng.
Việt Nam hiện tham gia vào thị trường XK trái cây quốc tế mới chỉ chiếm 1,4 - 1,5% giá trị NK của thế giới.
Một số chuyên gia đánh giá, với sự phụ thuộc quá lớn, chỉ cần bất cứ động thái đổi thay nào từ thị trường Trung Quốc đều gây ảnh hưởng không nhỏ đến XK rau quả của Việt Nam, tạo khó khăn cho mục tiêu XK rau quả đặt ra trong năm 2019 cũng như tương lai xa hơn.
Trên thực tế, nhìn nhận trên bình diện rộng, Việt Nam hiện tham gia vào thị trường XK trái cây quốc tế mới chỉ chiếm 1,4 - 1,5% giá trị NK của thế giới. Dư địa khai thác thị trường còn rất lớn. Vì vậy, bớt dựa dẫm vào thị trường Trung Quốc, rau quả Việt Nam hoàn toàn vẫn có không ít cơ hội để kiếm tìm, thúc đẩy XK sang các thị trường khác.
Xung quanh câu chuyện XK nông sản nói chung, rau quả nói riêng, theo ông Trần Duy Đông-Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đặc biệt là hoạt động XK, phân phối hàng hóa...
"Các DN, các hợp tác xã trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản cũng phải đáp ứng đúng quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo đủ yêu cầu về sản phẩm của phía NK, góp phẩn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản vào thị trường nhiều tiềm năng", ông Đông nói.