Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh trong tháng 3
Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả chỉ đạt trên 585 triệu USD, giảm tới 9,7% so với cùng kỳ 2018.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm bị sụt giảm mạnh do nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài. Bên cạnh đó còn gặp khó khi thị trường chiếm trên 74% thị phần là Trung Quốc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, tăng cường quản lý chất lượng. Rau quả Việt Nam chỉ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung. Hải quan Trung Quốc còn yêu cầu phải làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu đã được chỉ định là cửa nhập khẩu trái cây…
Sơ chế chuối xuất khẩu
Những vấn đề đó, đã khiến cho xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc bị sụt giảm. Cụ thể, trong quý I/2019 xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm 6,3% so cùng kỳ khi chỉ đạt 680,047 triệu USD. Một số thị trường quan trọng ở Đông Nam Á cũng giảm mạnh như Malaysia giảm 52% (đạt 8,418 triệu USD) và Thái Lan giảm 31,8% (đạt 12,359 triệu USD) so với cùng kỳ, qua đó ảnh hưởng đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu quý I/2019.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại của xuất khẩu rau quả trong tháng 3, nhất là nửa cuối của tháng, đã giúp cho xuất khẩu rau quả trong quý I không còn trong tình trạng ảm đạm. Trong tháng 3, giá trị xuất khẩu rau quả là 364,599 triệu USD tăng tới 57,4% so với tháng 2/2019 và tăng 37% so với tháng 3/2018. Đây là mức tăng trưởng cao mà ngành rau quả từng đạt được trong nhiều tháng của năm 2017 và đầu 2018.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu rau quả trong tháng 3 là một tín hiệu vui khi mà 2 tháng đầu năm đều tăng trưởng âm. Nhờ vậy, trong cả quý I, xuất khẩu rau quả đã đạt 948,871 triệu USD, chỉ còn giảm nhẹ 2,1% so cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng chú ý là trong khi xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á bị giảm sút đáng kể, thì lại tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường khó tính. Trong quý 1, xuất khẩu rau quả sang Úc tăng 54,4% và đạt 9,534 triệu USD; UAE tăng 47,2%, đạt 10,496 triệu USD; Hàn Quốc tăng 30,9%, đạt 31,270 triệu USD; Hà Lan tăng 25,9%, đạt 16,677 triệu USD; Mỹ tăng 10%; đạt 31,745 triệu USD… Điều này cho thấy khả năng tiếp cận các thị trường khó tính của rau quả Việt Nam đang ngày càng được cải thiện.