2020 tiếp tục "màu xám" với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei
Nhà Trắng đã liên tục gây áp lực cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bằng hàng loạt cáo buộc gián điệp cho Bắc Kinh, ăn cắp bí mật thương mại và là mối rủi ro lớn cho an ninh quốc gia. Bộ Thương mại Mỹ thậm chí đưa Huawei vào danh sách đen hạn chế thương mại nhằm chặn đứng chuỗi cung ứng tại Mỹ của đế chế này. Mỹ cũng tăng cường kêu gọi các đồng minh “cấm cửa” Huawei khỏi dự án xây dựng mạng di động 5G thế hệ mới do những rủi ro bảo mật và gián điệp.
Bất chấp những áp lực nặng nề ấy, doanh thu của Huawei trong năm 2019 ước đạt 850 tỷ NDT (khoảng 121,66 tỷ USD), tăng 18% so với năm 2018 dù thấp hơn dự báo ban đầu của công ty.
Bước sang năm 2020, dù thương chiến Mỹ Trung đã hạ nhiệt, không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ đưa Huawei khỏi danh sách đen. Năm tiếp theo vẫn sẽ là một năm đầy thách thức với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới.
Rủi ro mất các thị trường mạng 5G tiềm năng
Dù Huawei hiện là đế chế viễn thông nắm trong tay nhiều hợp đồng xây dựng mạng 5G thương mại nhất, vượt xa đối thủ Nokia và Ericsson, thì vẫn còn những thị trường quan trọng trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Canada... chưa đưa ra quyết định về việc có hay không “cấm cửa” Huawei sau nhiều cảnh báo từ Mỹ. Đây đều là những thị trường quan trọng của Huawei.
Trước đó, Australia, Nhật Bản và New Zealand đã tuyên bố cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G tại các đất nước này. Bất kỳ lệnh cấm nào khác từ Đức hay Anh giờ đây sẽ được các quốc gia khác theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang cố gắng tăng cường áp lực để giảm bớt sự hiện diện của Huawei.
Danh sách đen của Mỹ
Hồi tháng 5/2019, Huawei đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào một danh sách đen, theo đó cấm doanh nghiệp Mỹ kinh doanh với Huawei khi chưa được cấp một giấy phép xuất khẩu đặc biệt. Huawei hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn cung linh kiện, phần mềm và phần cứng từ Mỹ.
Bất chấp việc một số công ty Mỹ đang tiếp tục xuất khẩu linh kiện cho Huawei, tận dụng lỗ hổng trong các quy định của chính phủ, thì danh sách đen cũng giáng đòn nặng nề lên đế chế này. Huawei phải dời ngày ra mắt dòng macbook mới vô thời hạn, đồng thời tự phát triển hệ điều hành riêng mang tên HarmonyOS để thay thế Android. Smartphone được cho là lĩnh vực bị tổn thương lớn nhất sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen.
Dù doanh số smartphone Huawei không ngừng tăng tại thị trường đại lục, các lô hàng smartphone Huawei xuất khẩu trên toàn cầu đã giảm trong quý II và không tăng trong quý III. Người dùng quốc tế, những người phụ thuộc đa số vào các ứng dụng Google như Gmail, Google tìm kiếm... gần như không thể chấp nhận một chiếc smartphone không tích hợp những ứng dụng như vậy. Trong khi tại Trung Quốc, các ứng dụng này đều được thay thế bằng những app nội địa, nên nền tảng Google gần như không cần thiết.
Dự kiến, Huawei sẽ tiếp tục nằm trong danh sách đen của Mỹ trong năm 2020.
Tương lai nào cho hệ điều hành HarmonyOS?
Hồi tháng 8, Huawei tuyên bố ra mắt hệ điều hành riêng mang tên HarmonyOS với khả năng tích hợp và sử dụng trên nhiều thiết bị thông minh từ TV đến smartphone. Vào thời điểm đó, giám đốc bộ phận tiêu dùng Huawei Richard Yu tuyên bố công ty có thể chuyển đổi sang hệ điều hành HarmonyOS để thay thế cho Android ngay lập tức. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có dòng smartphone Huawei nào sử dụng hệ điều hành HarmonyOS được tung ra thị trường.
Mọi con mắt đang đổ dồn vào những dòng smartphone mới sắp ra mắt của Huawei, để xem gã khổng lồ công nghệ liệu sẽ làm gì với hệ điều hành của riêng mình.
Bê bối Mạnh Vãn Châu
Giám đốc tài chính CFO của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu đã bị bắt tại Canada hồi tháng 12/2018 theo lệnh của chính phủ Mỹ với cáo buộc lừa đảo ngân hàng, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Nhà Trắng hiện cũng đang tìm cách dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ để xét xử.
Huawei và bà Mạnh Vãn Châu đã quyết liệt phủ nhận những cáo buộc như vậy. Các phiên điều trần sẽ tiếp tục trong năm 2020.