39 người chết trong container: Tám người bị bắt khai gì?

05/11/2019 07:30 GMT+7
Trao đổi với báo chí về việc 39 người tử vong trong container tại Anh bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho hay tám người bị bắt chưa phải là đường dây đưa người bất hợp pháp sang Anh.

Tướng Cầu cho biết, hiện các gia đình rất buồn. Thời gian qua báo chí trong nước và nước ngoài, nhân dân đến thăm hỏi khiến những gia đình có con em mất liên lạc rất mệt mỏi. Hiện vẫn nhiều người vẫn hy vọng con em mình không phải trong số nạn nhân chết tại Anh.

Về thông tin một thanh niên ở Nghệ An dùng 900 triệu đồng lẽ ra để đi sang Anh nhưng lại vào TP.HCM và đánh lô đề, tướng Cầu cho hay: "Tất cả thông tin trên mạng tôi không phủ nhận tất cả nhưng thông tin nào cũng cần kiểm chứng cho thực tế".

39 người chết trong container: Tám người bị bắt khai gì? - Ảnh 1.

Tướng Nguyễn Hữu Cầu nói tám người bị bắt chưa phải là đường dây đưa người sang Anh.

Theo tướng Cầu, Công an Nghệ An đã điều tra, tại Nghệ An đã lập danh sách 24 người trình báo có người thân mất tích, đã có ba người gội điện thoại về cho gia đình. Còn 21 người chưa có thông tin. "Những thông tin trên mạng xã hội nói họ vào TP.HCM đánh lô đề thì cần kiểm chứng, CQĐT chưa có tài liệu về việc này" - tướng Cầu khẳng định.

Về tám người bị bắt trong vụ việc này, tướng Cầu phủ nhận họ nằm trong dường dây đưa người đi xuất khẩu lao động "chui".

"Nếu nói đường dây thì chưa phải. Trong số tám người này có những người có con, em người thân làm việc bên Anh, họ đã đi qua Anh nhiều, làm ăn được nên từ bên Anh họ móc nối về để tổ chức cho những người muốn đi sang Anh thì bên kia họ đón" - tướng Cầu nói.

Ông Cầu cho hay đi sang Anh có những người nộp đến 40.000 USD, tức gần 1 tỉ đồng; có người nộp 600-700 triệu đồng. "Tất cả những người chúng tôi đang nghi vấn bên Anh đều đi qua cửa khẩu Nội Bài, bay sang hợp pháp, đi sang nước thứ ba thì việc của họ ở bên đó. Còn không phải đi chui đi lủi, qua Lào hay Campuchia..." - ông Cầu cho hay.

Ông Cầu cũng nhận định "đường dây" đưa người đi xuất khẩu lao động lần này không phải là chuyên nghiệp nhưng đã có những người được đưa đi trót lọt. Hai năm 2017-2018 đều có.

Từ ngày 23/10, khi thông tin vụ này nổ ra, ông Cầu cho hay Công an Nghệ An đã khai thác từ mạng xã hội, từ bà con Việt kiều… thì có nghi vấn 39 người tử vong trong container là người Việt Nam chứ không chỉ có công dân Trung Quốc. Cũng từ đó một chuyên án đã được lập.

"Ngày 2/11, nghe lại tình hình thì chúng tôi thấy cần khởi tố vụ án để ngăn chặn đối tượng bỏ trốn. Chúng tôi lập danh sách 8-9 đối tượng nằm trong đối tượng nghi vấn đưa đi xem đã tiếp xúc với ai và chúng tôi tiến hành khởi tố vụ án" - ông Cầu nói.

"Hiện nay các đối tượng chúng tôi bắt giữ về cơ bản đã khai nhận hành vi của họ về việc đưa người sang bên Anh" - ông Cầu cho hay.

Có vụ đưa người ra nước ngoài liên quan tới 400 người

Công an Nghệ An đã từng khởi tố ba vụ đưa người ra ngước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

"Có những vụ có đến 400 người liên quan. Gần đây chúng tôi khởi tố một vụ ba bị can, bắt đối tượng tại sân bay. Công an Nghệ An khởi tố án này tương đối nhiều chứ không phải bây giờ mới làm. Nên nói là cơ quan chức năng "chạy theo vụ việc là không phải", tướng Cầu nói.

Ông cũng nhận định: Ở Anh có những công việc làm có thể có thu nhập như làm móng tay, chân, phục vụ nhà hàng, khách sạn... "Có người nói là sang để trồng cỏ, có chuyện đó chứ không phải là không. Nếu biết sang Anh để trồng cỏ hoặc đi chui lủi thì chắc chắn gia đình không cho con mình đi. Bởi đi như vậy phải bỏ ra số tiền lớn và rủi ro rất lớn nên không bao giờ người ta cho con mình làm chuyện đó". Do vậy, cần "hết sức chia sẻ" với với các gia đình nạn nhân chứ đừng quy kết họ một cách không có căn cứ.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng Nghệ An đã phân loại. "Có thể bây giờ bắt là tám nhưng nếu vai trò của họ là thứ yếu thì có thể loại ra, nhưng sẽ mở rộng xem còn bao nhiêu người đứng sau họ. Bởi quá trình phạm tội này là ở bên Anh, người ở Việt Nam chỉ là môi giới, còn người bên Anh mới trực tiếp cho họ ở lại nước ngoài trái phép", tướng Cầu phân tích.

Tướng Cầu một lần nữa khẳng định đây không phải là vấn đề buôn người. Bởi những người đó ra nước ngoài làm ăn và họ có nộp tiền. "Không ai bỏ ra một tỉ để cho người khác buôn mình cả, mà là tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép", ông Cầu nói.

"Còn các đối tượng là người Việt Nam sang Anh, rồi từ Anh tạo điều kiện đưa người Việt Nam sang và ở lại đó trái pháp luật thì dứt khoát phải xử lý", tướng Cầu khẳng định.

An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục